Còn cần thời gian
Trước ngày đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đi Pháp dự giải FIVB Challenge Cup 2023, SGGP đã đặt câu hỏi với Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường rằng “từ những kết quả mà đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã đạt được ở năm 2023 tới lúc này và được khán giả theo dõi đông đảo, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam hay các đội tuyển bóng chuyền quốc gia có tín hiệu mừng về việc nhà tài trợ tìm tới tài trợ riêng hay chưa?”.
Ông Trường chia sẻ rất cụ thể “hiện tại, chưa có thương hiệu nào gắn kết kí hợp đồng tài trợ riêng cho các đội tuyển thể thao quốc gia. Sau một số thành tích đạt được vừa qua, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã có một số nhãn hiệu về sản phẩm tặng quà bằng sản phẩm nhưng đó là tặng quà chứ không phải kí hợp đồng tài trợ theo thời hạn, theo một hợp đồng tài trợ cụ thể. Về việc tài trợ, chúng tôi thấy bây giờ mới là sự khởi đầu, các đội tuyển sẽ cần thêm thời gian thì mới có được sự tài trợ riêng...”.
Trên thực tế, chúng ta cũng phải thấy, yếu tố về khó khăn kinh tế là một phần ảnh hưởng trong hoạt động tiếp thị và tài trợ thể thao vào lúc này. Vì vậy, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam nói riêng hay bất kì đội tuyển bóng chuyền quốc gia nào của chúng ta chưa có một nhà tài trợ riêng kí hợp đồng đồng hành thì không quá bất ngờ.
Nhiệm kì lần thứ 7 (2021-2025) của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đề ra một trong những mục tiêu là tìm thêm nguồn kinh phí tài trợ cho Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. Đồng thời, mục tiêu đẩy mạnh giá trị của các đội bóng chuyền quốc gia cũng được nhắc tới và bây giờ, qua thi đấu đạt được thành tích nhất định thì đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam được chú ý nhiều hơn.
“Với bài toán kinh tế thể thao, nhất là tài trợ, chúng tôi nhận thấy các thương hiệu đều có một chiến lược của họ khi tham gia tài trợ cho môn thể thao nào đó. Bóng chuyền của chúng ta có hình ảnh tốt và tạo được sức hút cũng như giá trị đội tuyển quốc gia đang ngày càng hiệu quả, hy vọng ở một tương lai gần sẽ có nhà tài trợ cùng đồng hành”, ông Trường bày tỏ thêm.
Nhà đài bắt đầu thấy sức hút
Tài trợ và xã hội hóa là một phần tất yếu của thể thao chuyên nghiệp lúc này. Khi diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam từng được tổ chức, những ý niệm ban đầu mới chỉ đưa ra việc cần phải định nghĩa các giải đấu thể thao tại Việt Nam từ đấy sẽ có được chân đế tốt để tìm được các nguồn thu, lợi nhuận thông qua các hình thái khác nhau.
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đang là một trong những đội tuyển thể thao quốc gia được chú ý nhất thời điểm hiện tại. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Trường hợp cụ thể đang là đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Đội tuyển tạm thời định vị được mình là có gương mặt tạo sức hút (chủ công Trần Thị Thanh Thúy), có giá trị về thành tích (vô địch cúp các câu lạc bộ nữ châu Á, vô địch AVC Challenge Cup 2023, á quân SEA Games), có khán giả cổ vũ ổn định. Chính vì thế, một số nhà đài và công ty bản quyền nhanh nhạy mua thành công bản quyền giải đấu có đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam góp mặt để chiếu trên lãnh thổ Việt Nam. Về bản chất, họ thu được lợi nhuận khi trực tiếp giải đấu có đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tham gia.
Cụ thể, bản quyền cúp các câu lạc bộ nữ châu Á, giải bóng chuyền nữ AVC Challenge Cup 2023 đã được mua và truyền trực tiếp tại Việt Nam. Tới đây, giải SEA V.League 2023 nam, nữ (có đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam tham dự) đã được truyền hình Cáp của VTV (VTVCab) sở hữu bản quyền để chiếu trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam.
Có truyền hình tham gia, bài toán về bản quyền truyền hình được quan tâm hơn. Dù thế, lợi nhuận dành cho Liên đoàn bóng chuyền, các đội bóng sở hữu cầu thủ đang tham gia đội tuyển quốc gia hay bản thân thành viên đội tuyển quốc gia được trả ra sao là điều không thể không thực hiện khi bóng chuyền đi tới cấp độ chuyên nghiệp. Bây giờ, chúng ta mang mục tiêu đưa các đội tuyển bóng chuyền Việt Nam tới gần với người hâm mộ và thi đấu nỗ lực cao nhất giành thành tích và phần nào đó quy định về bản quyền hình ảnh, lợi nhuận từ truyền hình chưa cụ thể.