Giải điền kinh VĐTG 2015
Trước sự chứng kiến của huyền thoại nhảy xa một thời người Mỹ Mike Powell (đương kim kỷ lục gia thế giới với thành tích 8m95 vốn đã đứng vững suốt 24 năm trời, kể từ năm 1991 - tại giải điền kinh VĐTG diễn ra ở thành phố Tokyko - cho đến ngày hôm nay), Greg Rutherford đã xuất sắc lên ngôi VĐTG trong nội dung nhảy xa ở 2015.
Rutherford đã đạt thành tích tốt nhất là 8m41 ở lần nhảy thứ 4, đánh bại hoàn toàn Fabrice Lapierre (Australia, chỉ đạt thành tích 8m24) và VĐV của nước chủ nhà Wang Jianan (chỉ đạt thành tích 8m18). Dù thành tích 8m41 lần này của Rutherford vẫn còn kém rất xa thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của anh - 8m51 (KLQG Anh quốc), xác lập Chula Vista, California (Mỹ) hôm 25-4-2014 - và còn lâu mới có thể sánh bằng KLTG do “tiền bối” Powell đang nắm giữ, nó vẫn đủ để khiến Rutherford đi vào lịch sử của làng điền kinh Anh quốc.
Greg Rutherford ăn mừng chiến thắng.
Với tấm HCV mới nhất mà Rutherford vừa mới giành được tại SVĐ Tổ chim (Trung Quốc), VĐV 28 tuổi quê ở Buckinghamshire này đã trở thành người thứ 5 trong lịch sử của làng điền kinh Anh quốc, sau Daley Thompson, Linford Christie, Sally Gunnell và Jonathan Edwards, sở hữu cả 4 tấm HCV Olympic, VĐTG, vô địch châu Âu và Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung ở cùng một thời điểm. Rõ ràng, sau chiến công của Mo Farah, Rutherford hiện đang là người hùng mới nhất của cả nước Anh.
Vài tiếng đồng hồ trước vòng thi chung kết, Rutherford trải qua một cơn đau đầu nặng và thậm chí anh còn không chắc mình có thể thi đấu được hay là không. Rutherford kể lại với các phóng viên trong buổi họp báo sau màn thi chung kết: “Tới 2 giờ chiều ngày hôm nay, tôi vẫn còn nghĩ rằng: “Chết tiệt thật, đau đầu quá, có lẽ tôi sẽ không thi đấu nổi”, tôi cảm thấy rất mệt mỏi, rất khó khăn”. Tuy nhiên, đến buổi tối, cơn đau đầu từ Rutherford đã chuyển hoàn toàn sang các đối thủ của anh, khi anh thi đấu rất ổn định, còn những người khác lại chật vật với năng lực của mình.
“Chất Adrenalin là một thứ thật là tuyệt vời. Nó khiến tôi không còn lo lắng và đau đầu nữa. Giờ đây, tôi đã đứng đây và đã giành lấy ngôi VĐTG. Lần thứ 5 đầy may mắn (đây là lần thứ 5 Rutherford tham gia giải VĐTG; hồi năm 2007, anh không lọt được vào vòng chi chung kết vì chỉ xếp hạng 21 ở vòng loại; hồi năm 2009, anh xếp hạng 5 chung cuộc; hồi năm 2011, anh dính chấn thương gân kheo ở vòng loại và không thể lọt vào vòng chung kết; còn hồi năm 2013, anh cũng không thể vượt qua vòng loại dù đang là ĐKVĐ Olympic, chỉ xếp hạng 14 vì không đạt được trạng thái thể lực tốt nhất). Cuối cùng, tôi cũng đã giật được cái chiến tích mà tôi hằng mong muốn”.
Chiến thắng tại giải VĐTG 2015 đã mang đến cho Rutherford một sự nhìn nhận hoàn toàn khác hẳn. Anh từng giành 1/4 HCV cho điền kinh Anh quốc ở Olympic diễn ra tại sân nhà, và là 1/3 người đã thắng HCV trong “ngày siêu thứ Bảy đáng nhớ” bên cạnh Mo Farah và Jessica Ennis-Hill (người cũng đã đánh dấu sự quay trở lại sau khi sinh con bằng tấm HCV đầy ấn tượng). Dù vậy, thành tích 8m31 ở London cách đây 3 năm - thành tích giành HCV nhảy xa thấp nhất ở đấu trường Olympic kể từ năm 1976 - khiến cho ánh hào quang xung quanh Rutherford bị lu mờ ít nhiều so với Farah và Ennis. Nhưng giờ đây, chiến thắng đã khiến Rutherford đạt được một vị thế hoàn toàn khác hẳn so với 2 VĐV đồng hương cũng vừa giành HCV trong mấy ngày vừa qua…
“Tôi đã trải qua rất nhiều áp lực trong suốt thời gian vừa qua của mùa giải và tôi hoàn toàn có thể giải thích rõ điều đó. Có rất nhiều thời điểm, tôi phải đối mặt với rất, rất nhiều khó khăn, vượt qua được những thời khắc đó và đạt được thành công như thế này, tôi giống như đang thăng hoa đến tận cung trăng. Tôi hy vọng, cái thành tích chiến thắng 8m41 này là có thể chấp nhận được với nhiều người, những người không xem trọng thành tích của tôi ở Olympic hồi 3 năm trước, qua đó, đánh giá thấp năng lực của tôi. Tôi chắc chắn đó chính là kỷ lục của cái SVĐ Tổ chim này, và nó không hề tồi một chút nào. Tôi sẽ nhận lấy nó, tôi không còn là một VĐV nhảy xa giỏi nhưng mà… tồi nữa rồi”, Rutherford cho biết.
Trong một nội dung thi đấu đáng chú ý khác, cự ly chạy 800m dành cho nam, David Rudisha đã “leo lên lại đỉnh cao nhất” với chiến thắng có thành tích 1 phút 45 giây 84, đánh bại Adam Kszczot (Ba Lan, 1 phút 46 giây 08) và Amel Tuka (Bosnia & Herzegovina, 1 phút 46 giây 30). Đây là lần đầu tiên VĐV người Kenya tìm lại ngôi VĐTG sau 4 năm chờ đợi (lần trước, Rudisha lên ngôi VĐTG là ở Daegu 2011) dù rằng anh vẫn đang là nhà ĐKVĐ Olympic.
Rudisha (hiện cũng đang là đương kim kỷ lục gia thế giới và là người đầu tiên chạy 800m dưới 1 phút 41 giây - với thành tích 1 phút 40 giây 91 giành HCV ở Olympic London) cho biết: “Tôi rất sung sướng khi giành lấy tấm HCV này. Chiến thắng này có rất nhiều ý nghĩa đối với tôi. Đặc biệt sau quá nhiều thất vọng mà tôi trải qua trong mùa giải năm nay. Trong tháng vừa qua, tôi thường xuyên gặp vấn đề với tốc độ của mình, nhưng khi tìm lại nó, tôi biết mình sẽ giành được chiến thắng”.
ĐỖ HOÀNG