Cụ thể, ở nhánh thăm 1/8 của mình, Nadal chỉ phải gặp 2 tay vợt vượt qua vòng loại ở các trận đấu vòng 1 và vòng 2. Ở vòng 3, có thể anh sẽ đối đầu với David Goffin (Bỉ, người chưa bao giờ vượt quá vòng đấu tứ kết tại giải đấu Roland Garros). Đối thủ mà Nadal có thể đối mặt ở vòng 4 là Nikoloz Basilashvili (Georgia, người từng thua Nada cả 3 lần giáp mặt trong quá khứ).
Ở vòng đấu tứ kết, Nadal có thể sẽ đấu với Kei Nishikori (Nhật Bản, người đã thua Nadal 10/12 lần đối đầu) hoặc với Daniil Medvedev (Nga, tay vợt “miễn cưỡng” được xem là như là chướng ngại vật của Nadal, khi có thành tích khá “ổn” ở mùa giải sân đất nện năm nay – lọt đến bán kết Monte Carlo Masters, chung kết Barcelona Open, dù chơi không tốt ở 2 giải đấu gần nhất).
Đến tận trận đấu bán kết, Nadal mới “va” vào thử thách thật sự. Hoặc sẽ là “đại kình địch” Federer, người có lần đầu tiên quay trở lại French Open sau 4 năm trời vắng bóng, hoặc là đại biểu ưu tú nhất của lứa “Next Gen” – “Chiến binh xứ Hy Lạp” Tsitsipas. Tuy vậy, với vị thế hiện tại, với địa vị “Vua sân đất nện” được củng cố Nadal sẽ chẳng hề “ngán ngại” cả 2 đối thủ này.
Anh hiện có thành tích đối đầu trực tiếp trên sân đất nện áp đảo so với tay vợt cựu số 1 thế giới người Thụy Sỹ – thắng 13 trận và chỉ để thua 2 trận. Trong khi đó, anh vừa mới báo thù trận thua Tsitsipas ở bán kết Mutua Madrid Open, bằng cách đánh bại anh này ở bán kết của Rome Masters. Nadal có tin thần tốt hơn nếu tái ngộ đại biểu ưu tú nhất của lứa “Next Gen”.
Và sau đó, ở chung kết, Nadal sẽ vui lòng tiếp đón bất kỳ ai, dù đó là “Hoàng tử sân đất nện” Thiem, hay là “Nhà Vua ATP” Djokovic. Nhưng một trận chung kết với “đại kình địch lớn nhất trong sự nghiệp” – Djokovic, và giành chiến thắng, với Nadal, mới là ý nghĩa hơn, và nếu tay vợt người Serbia lọt đến chung kết, anh này cũng sẽ kiệt sức vì liên tục phải khổ chiến…
“Đường Nadal rộng thênh thang tám bước”, có thể sử dụng câu nói này để miêu tả tình trạng hiện tại của Nadal. Sự may mắn của lá thăm (hay sự ưu ái của BTC, theo như một số CĐV của Federer và Djokovic nghi ngại???), đã đưa anh vào một vị thế không thể tuyệt vời hơn để săn đuổi danh hiệu Grand Slam trên mặt sân đất nện thứ 12. Bây giờ, cơ hội là quá chín muồi.
Trong khi đó, ở phía nhánh thăm đối diện, Djokovic sẽ đối mặt với ngọn núi cao nhất trong sự nghiệp, khi muốn chinh phục Roland Garros 2019 và hoàn thành “Nole Slam” lần thứ 2. Anh có thể đấu với Giles Simon (Pháp, bạn trai của “mỹ nhân Ucraina” Elina Svitolina, tay vợt số 1 nước Pháp đang có phong độ rực lửa kể từ khi hẹn hò với Elina) ở vòng 3.
Đối thủ của anh ở vòng 4, rất có thể là 1 trong 2 đại biểu của lứa “Next Gen”, hoặc là Denis Shapovalov (Canada), hoặc là Borna Coric (Croatia, cũng là bạn thân của Djokovic). Ở tứ kết, Djokovic sẽ phải đối đầu với 1 trong 3 đối thủ tiềm tàng, mà ai cũng đều rất khó nhằn – Fognini (ĐKVĐ Monte Carlo Masters), Kyrgios – gã tiểu tử từng thách Djokovic “có ngon đánh bại được gã”, hoặc là Zverev – từng được xưng tụng là “Next Gen đệ nhất nhân”.
Ở bán kết, Djokovic gần như sẽ phải đối đầu với “Hoàng tử sân đất nện” Thiem, người anh đã thắng chật vật ở bán kết Mutua Madrid Open nhờ 2 loạt đánh tie-break nghẹt thở. Và nếu có thể vượt qua được Thiem, để lọt vào chơi “trận chung kết trong mơ”, Djokovic cũng sẽ ở trong tình trạng bất lợi vì kiệt sức sau quá nhiều trận khổ chiến.
Nhưng, khi đã vào đến trận đấu chung kết, thì bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Khi đó, chiến thuật, kỹ năng, các mảng miếng đánh bóng, có khi cũng chẳng còn là vấn đề gì quá quan trọng nữa, chỉ là niềm cảm hứng, sức mạnh tinh thần – mà cái này lại là điểm mạnh của Nole – quyết định đến sự thành – bại của cả một giải đấu.
“Đường Nadal rộng thênh thang tám thước”, “đường Djokovic đi khúc khuỷu chông gai”, nhưng ở đoạn cuối của cả 2 con đường, đó là sự hợp nhất về một mối – chiếc cúp vô địch Roland Garros sáng bóng, danh hiệu mà khắp cả thế giới này, không có một tay vợt nào không khát khao. Chắc chắn, người mạnh nhất, người xứng đáng nhất sẽ giành chiến thắng.