Diego Maradona từng có một câu nói rất nổi tiếng khi được hỏi rằng liệu có phải anh đã dùng tay chơi bóng trong bàn thắng đầu tiên ghi vào lưới tuyển Anh ở tứ kết World Cup 1986, World Cup mà anh – bằng cả tài năng cá nhân lẫn tiểu xảo xấu xí đã đưa tuyển Argentina đăng quang ngôi vô địch một cách đầy xứng đáng: “Đầu của tôi nhưng… tay của Chúa!”.
Trước khi Roland Garros 2016 diễn ra, Novak Djokovic cũng có nói một câu sau này sẽ đi vào lịch sử thể thao thế giới, khi được hỏi rằng, khả năng vô địch Grand Slam trên mặt sân đất nện tại Paris của anh là bao nhiêu, thì Nole trong nỗi khát khao cháy bỏng được đăng quang ở French Open một lần sau quá nhiều thất bại đau đớn bởi định mệnh, đã thốt lên rằng: “Tất cả nằm trong tay của Thượng đế”.
Và giờ đây, 30 năm sau khi “bàn tay của Chúa” đưa Maradona và tuyển Argentina vượt qua Argentina, mở toang cách cửa đăng quang ngôi vô địch của World Cup, “bàn tay của Thượng đế” cũng đã đưa Nole đến ngưỡng cửa thiên đàng, biến anh thành người đàn ông thứ 8 trong lịch sử hoàn thành “Career Grand Slam”, nhưng lại là người đầu tiên sở hữu cả 4 danh hiệu Grand Slam cùng một lúc kể từ thời của “tiền bối huyền thoại” Rod Laver hồi năm 1969.
Novak Djokovic và chiếc cúp vô địch Roland Garros 2016.
“Thượng đế đã gọi tên Nole, Thượng đế đã chìa tay cho anh”, nhưng chỉ khi anh phải cố gắng, phải nỗ lực đến kỳ cùng. Trận chung kết thứ 4 ở đấu trường Roland Garros, Djokovic không còn phải sống trong những khoảnh khắc của thất vọng toàn tập khi đối đầu với Rafael Nadal trong các năm 2012 và 2014, và cũng không phải là khoảnh khắc của mê muội và bất lực khi đụng độ Stan Wawrinka hồi năm ngoái, mà đó là một trận đấu của sự tỉnh táo, dù cũng dài 4 ván đấu, nhưng ngoại trừ thất bại đầu tiên – kết quả chỉ khiến cho Djokovic nổi điên lên và tập trung hơn cho từng pha bóng của mình, và từ đó, anh đã đăng quang một cách đầy xứng đáng.
Chính Djokovic, với niềm tin bất diệt vào bản thân, bất chấp đã có lúc, anh không dám nói lên những suy nghĩ tự đáy lòng mình, với sức mạnh tâm lý khủng khiếp, đã tự mang anh đến chân trời của hạnh phúc, dù rằng, ở đâu đó trong tâm hồn, anh vẫn tin rằng, bàn tay của Thượng đế, ít nhiều đã cưu mang anh, đưa anh vượt qua khó khăn, giành lấy cái danh hiệu mà anh khao khát nhất, muốn sở hữu nhất.
Djokovic, người được nhiều CĐV quần vợt thuộc xứ sở văn minh gọi là “kẻ man rợ”, vì xuất xứ… từ đất nước Serbia mới nguôi bom đạn, chiến tranh, vì những khoảnh khắc cháy hết mình trên sân đấu, đập vợt, tranh cãi với trọng tài khi trông thấy những phán quyết bất công – chứ không phải Roger Federer “lịch lãm”, hay Rafael Nadal “hiệp sĩ” – mới là người “được Thượng đế gọi tên” để có cái vinh dự đứng chung hàng ngũ với “các bậc tiền bối đại tài” như Laver, như Don Budge, những người sở hữu 4 danh hiệu Grand Slam cùng một lúc (với Laver, đó là các năm 1962 và 1969, còn với Budger, đó là năm 1938).
“Đây là một khoảnh khắc xúc động ngập tràn. Là một trong những phút giây tươi đẹp nhất mà tôi có trong sự nghiệp. Thật quá vinh dự khi biết rằng, Laver là người cuối cùng sở hữu 4 danh hiệu Grand Slam cùng một lúc. Không có quá nhiều từ ngữ có thể miêu tả được sự tự hào này. Đây là một trong những thách thức tối hậu mà bạn có khi là một tay vợt. Tôi rất tự hào và vô cùng xúc động. Rất khó để tôi phản ánh lại những gì đã xảy ra trước và sau cái khoảnh khắc đáng nhớ này. Tôi hoàn toàn bị lấn áp về mặt cảm xúc bởi cái khoảnh khắc này và đơn giản, tôi đang hưởng thụ cảm giác tuyệt vời này trong từng phút giây”, Djokovic hạnh phúc cho biết.
“Thượng đế đã gọi tên Djokovic”, anh phải là người đứng “ở chung mâm” cùng với Federer, cùng với Nadal. Đến thời điểm này, dư luận thế giới nên dành cho anh một cái nhìn trịnh trọng hơn, rằng anh ở cùng đẳng cấp với 2 tay vợt huyền thoại người Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Người ta có thể ghét anh, cứ việc đi, yêu ghét là tùy vào quan điểm của mỗi cá nhân, nhưng những ai từng miệt thị anh là “kẻ man rợ”, nên hiểu một điều, giờ thì, “kẻ man rợ” cũng đã trở thành huyền thoại như “hiệp sĩ”, như “quý ngài lịch lãm”. Quần vợt là môn thể thao quý tộc, nhưng quần vợt hiện đại là cuộc chơi của tất cả mọi người và nếu anh có niềm tin, anh có tâm lý vững vàng, và anh luôn có “Thượng đế” ở phía sau lưng, anh xứng đáng đứng vào hàng ngũ của những người giỏi nhất.
Djokovic đã làm nên một phần của lịch sử. Nhưng trước mắt anh, còn rất nhiều lịch sử khác để đuổi theo. Anh đã sở hữu 12 danh hiệu Grand Slam, anh vẫn còn thua Nadal 2 Grand Slam và thua Federer 5 Grand Slam. Đó là những mục tiêu khác, trong tầm mắt. Federer sẽ bước sang tuổi 35 vào tháng 8 này, anh chưa thắng Grand Slam nào trong 4 năm nay, anh đang chấn thương lưng và rất ít thi đấu trong mùa giải này, năm ngoái, anh cũng chơi chật vật khi chống lại Djokovic, và không thể đối đầu với tay vợt người Serbia ở đấu trường Grand Slam, nơi các trận đấu có nguy cơ kéo đến 5 ván đấu nghẹt thở. Với Djokovic, đuổi theo thành tích của Federer không phải là “một cây cầu quá xa”.
“Ở thời điểm khởi đầu, tôi không hạnh phúc khi trở thành một phần của thế hệ của họ. Sau đó, tôi nhận ra rằng, trong cuộc sống này, mọi thứ đều xảy ra vì một lý do. Bạn được đặt vào vị trí này với một mục đích, một mục đích để học hỏi, để phát triển và tiến hóa”, Djokovic nói. Nhưng trước mắt, kỷ lục đuổi theo Federer có thể tạm chờ, vì Djokovic có những mục tiêu cần kíp hơn, thắng “Calendar Grand Slam” (thắng “cú ăn 4 Grand Slam” trong cùng một mùa giải) hoặc trở thành người thứ 2 trong lịch sử loài người – kể từ thời của Steffi Graf – hoàn tất cú “Golden Slam” danh tiếng lừng lẫy (thắng “cú ăn 4 Grand Slam” trong cùng một mùa giải, cộng thêm tấm HCV Olympic”.
Đỗ Hoàng