1. Trong bóng đá, cho đến nay Brazil vẫn là số 1 hành tinh với 5 chức vô địch World Cup. Mặc dù trên bảng xếp hạng mới nhất của FIFA, đội tuyển áo vàng xanh đã văng ra khỏi tốp 10. Họ xếp thứ 11, dưới cả Croatia và Đan Mạch. Nhưng bất chấp sự sa sút đó, Brazil vẫn sừng sững như một tượng đài.
Trên thế giới, chỉ họ mới sản sinh ra một ông vua: “vua bóng đá” Pele. Và cũng chỉ Brazil mới liên tục cung cấp cho hành tinh các thiên tài bóng đá qua các thời kỳ. Từ thế hệ Pele, Garrincha, Santos, Didi, Vava qua Socrates, Zico, Falcao, Careca đến Bebeto, Romario, Rivaldo, Kaka, Roberto Carlos, Ronaldo, Ronaldinho, Juninho, Robinho, Neymar, Daniel Alves, Pato... Có lẽ không có quốc gia nào có nhiều tài năng bóng đá nối tiếp nhau ra đời như Brazil.
2. Với các thế hệ tài năng đó,Brazil không chỉ thâu tóm 5 chức vô địch thế giới. Họ còn 3 lần giành được cúp Liên lục địa và 8 lần đăng quang ở cúp Nam Mỹ. Tóm lại, xét về danh hiệu cá nhân lẫn tập thể, đội tuyển đương kim vô địch thế giới Tây Ban Nha còn lâu mới sánh được với đội tuyển xứ cà phê.
Thế nhưng, trong bộ sưu tập thành tích khổng lồ của mình, Brazil lại không có được chiếc huy chương vàng Olympic nào. Đó là nỗi đau của người Brazil, cũng là khao khát cháy bỏng của họ. Hiển nhiên, xét về trình độ chuyên môn, cuộc chơi bóng đá ở Olympic không thể sánh được với World Cup, khi cầu thủ bị giới hạn ở độ tuổi U23. Nhưng xét về lịch sử, quy mô và tính chất, Olympic là đại hội thể thao lớn nhất hành tinh. Thế mà với đất nước “ăn bóng đá, ngủ bóng đá, thở bóng đá” như Brazil, đội tuyển của họ vẫn không có cách gì chinh phục được chiếc cúp danh giá đó, dù trong quá trình tham gia giải họ đã không ít lần cử các siêu sao ra trận trong danh sách “3 cầu thủ trên 23 tuổi” mà quy chế Olympic cho phép.
3. Lần này, một lần nữa Brazil lại là ứng cử viên vô địch như trước nay họ vẫn được đánh giá cao như thế, bên cạnh đội tuyển Olympic Tây Ban Nha.
Cái tên Brazil đã là một bảo đảm, nhưng thực lực đội Olympic Brazil năm nay quả rất đáng gờm. Đội hình của họ toàn là “hàng khủng”: Pato (AC Milan), Hulk (Porto), Neymar (Santos), Thiago Silva (Paris Saint-Germain), Marcelo (Real Madrid), Rafael da Silva (Manchester United), Oscar (Chelsea), Sandro (Tottenham Hostspur)... Do các tài năng ở Brazil nảy nở sớm nên độ đồng đều và sức mạnh của đội tuyển Olympic có lẽ không kém gì đội tuyển quốc gia.
Rạng sáng thứ sáu vừa rồi, đội hình này đã thắng Olympic Ai Cập 3-2 ở trận ra quân trên sân Millenium ở Cardiff. Tỷ số trận đấu sít sao tất nhiên không phản ánh chính xác ưu thế vượt trội của các cầu thủ Brazil trước các cầu thủ châu Phi. Cho tới phút thứ 30, các học trò của HLV Menezes đã dẫn trước 3-0 một cách nhanh chóng với các pha lập công của Rafael, Damiao và Neymar.
Chính việc ghi bàn thắng quá dễ dàng khiến các cầu thủ Brazil bộc lộ thái độ lơ là và bắt đầu nghiêng về lối chơi biểu diễn. Việc thi đấu thiếu tập trung đã dẫn đến hậu quả: Ai Cập đã gỡ lại 2 bàn vào các phút 52 và 76 khiến các học trò của ông Menezes đột ngột rơi vào tình thế khó khăn.
4. Nhưng bất chấp điều đó, người xem vẫn thấy đội Olympic Brazil ở một trình độ vượt trội so với đối thủ. Lối chơi bóng nhanh và gắn bó của các cầu thủ áo vàng xanh khiến hàng thủ Ai Cập không biết phải kèm cầu thủ nào và người viết bài này có cảm giác các cầu thủ Brazil có thể ghi bàn bất cứ lúc nào.
Thần đồng Neymar trong trận này chơi ở vị trí tự do gần như Messi ở Barcelona và tuyển Argentina. Sở hữu kỹ thuật đi bóng lắt léo, nhãn quan chiến thuật sắc bén, với vô số những đường chuyền thuận lợi cho đồng đội, Neymar cho thấy không phải ngẫu nhiên các chuyên gia thường so sánh anh với Messi.
Tất nhiên để có thể đi tới thắng lợi cuối cùng ở Olympic năm nay, thầy trò ông Menezes cần phải vượt qua hai rào cản.
Rào cản thứ nhất là rào cản tâm lý. Các cầu thủ trẻ Brazil cần phải nhanh chóng từ bỏ thái độ chủ quan, khinh địch như đã diễn ra trong trận đấu với Ai Cập vừa rồi. Trên thực tế, hàng phòng ngự Brazil với những hậu vệ thuộc hàng đầu thế giới như Thiago Silva, Marcelo không thể thi đấu một cách lỏng lẻo như vậy nếu họ tiếp cận trận đấu với một thái độ nghiêm túc.
Rào cản thứ hai là rào cản lịch sử: Chưa bao giờ bóng đá Brazil giành huy chương vàng ở Olympic, kể cả những lần các siêu sao Romario hay Ronaldinho được tung vào giải để làm đầu tàu. Hai chiếc huy chương bạc ở Olympic 1984, 1988 là “vinh quang” lớn nhất mà Brazil giành được trên đấu trường này.
Đối thủ được xem là lớn nhất của họ ở giải năm nay là Tây Ban Nha, vừa rồi đã bất ngờ thất trận trước Nhật Bản, là một điềm báo tốt lành cho thầy trò Menezes. Với tất cả những lợi thế về mặt lực lượng và tình huống, Brazil mà để vuột chiếc cúp bóng đá ở kỳ Olympic này thì không biết đến bao giờ họ mới có cơ hội tốt đến như vậy nữa. Và éo le nhất là, nếu điều đó xảy ra, không biết thầy trò ông Menezes sẽ phải trở về Brazil bằng con đường nào để khỏi bị ném đá te tua!
Chu Đình Ngạn