Ra đi đúng lúc

Ra đi đúng lúc

Capello vì bênh vực John Terry mà quyết định giã từ Tam sư. Nhưng lý giải cho việc ra đi của Capello, người ta đã liệt kê ra vô khối sai lầm của chiến lược gia người Ý trong quá trình dẫn dắt tuyển Anh. Đó là sự hà khắc thái quá với cầu thủ, vốn tiếng Anh hạn chế để truyền tải ngọn ngành ý tưởng, thiếu sót trong việc sử dụng, sắp xếp nhân sự đúng lúc, đúng chỗ… và trên hết là sau hơn 4 năm thọ giáo, đội hình Tam sư giờ trở thành… tam ca 3 con mèo.

Cựu HLV Capello của đội tuyển Anh.

Cựu HLV Capello của đội tuyển Anh.

Mọi chuyện đều có nguyên nhân. Nhiều người đã nói về giới cầu thủ Anh hiện tại giống các ngôi sao giải trí. Họ kiếm bộn tiền, xuất hiện hào nhoáng, sống đời vương giả và tiệc tùng liên miên. Thế nhưng cứ hễ đá cho tuyển quốc gia trong những thời khắc quan trọng thì người ta lại thấy vẻ bệ rạc trong đôi chân của các “chiến binh” xứ Ăng-lê.

Vòng chung kết World Cup 2010 là minh chứng thuyết phục. Người ta bắt đầu nghi hoặc, rằng có phải công tác marketing của Premier League quá tốt và với tần suất xuất hiện dày đặc trên truyền hình khắp thế giới khiến cầu thủ xứ này ảo tưởng quá lớn vào vị thế ngôi sao của mình? Hay một thực tế đắng chát là bóng đá Anh hiện tại không có nổi một thế hệ tài năng để chinh phục các đấu trường lớn?

Tuyển Anh bây giờ nhiều thế lực thủ cựu sắm vai kỳ đà cản mũi. Đến như Lampard già nua mà còn bao nhiêu lấn cấn với việc thay hay không, bất kể James Milner và Gareth Barry có ra sức chứng tỏ. Còn John Terry thì khỏi nói: Cầu thủ Chelsea là thế lực ngầm ghê gớm mà ngay cả Capello cũng phải ra sức lấy lòng.

Mà đâu chỉ có thế, hàng tiền vệ Tam sư cũng dư dả những đôi chân đã đến ngưỡng của năng lực. Theo Walcott càng ngày càng chứng tỏ anh chỉ có mỗi chiêu dốc bóng, hễ gặp hậu vệ dày dạn là “đứt điện”. Scott Parker thì từ lâu đã được xem là cầu thủ lớn của những đội bóng nhỏ. Anh không đủ tầm để “đánh chiếm” châu Âu. Adam Johnson ở Man City thì không cạnh tranh nổi với một rừng sao đẳng cấp, đành phải bó gối trên băng ghế dự bị…

Những người xét kỹ hàng tiền đạo tuyển Anh hiện tại thì lại càng có lý do để lo lắng. Kỳ vọng gì vào Rooney khi mà tính khí nóng như thiên lôi, vẻ mặt bặm trợn nhưng tinh thần không đủ độ rắn?! Gã Shrek đã có quãng thời gian tịt ngòi quá lâu, rồi không giữ được bình tĩnh và phải lĩnh thẻ đỏ vì những ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống riêng. Rooney phần nào cũng giống C.Ronaldo ở chuyện cứ bước vào trận cầu lớn là “tắt ngấm”. Một vài cái tên còn lại như Darrent Bent, Bobby Zamora… thì có lẽ không cần bàn nhiều vì họ quá ít điều để kỳ vọng.

Đấy là thực trạng tuyển Anh. Capello đã vin vào chuyện John Terry bị FA tước băng thủ quân mà không thông qua ông để quyết định từ chức. Kể từ sau World Cup ở Nam Phi, chiến lược gia người Ý hẳn đã mệt mỏi nhiều với báo chí và dư luận xứ sở sương mù. Ông cũng đủ tỉnh táo để nhìn ra tương lai không mấy sáng sủa của Tam sư ở kỳ Euro sắp tới. Capello không dại đến mức làm lu mờ hình ảnh của mình thêm nữa. Ông đã chủ động ra đi thay vì bị người ta sa thải.

Nếu Câu chuyện tình đã khiến hàng vạn trái tim thổn thức vì câu nói nổi tiếng “Yêu là không nói lời hối tiếc”, thì có lẽ Capello cũng để lại dư vị đắng cho những người yêu mến tuyển Anh bằng phát biểu, tôi ra đi mà không hề hối tiếc. 

TRUNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục