Chung kết 5000m nữ diễn ra tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) dưới trời mưa bắt đầu nặng hạt vì thế 2 gương mặt tham dự của đội tuyển chủ nhà là Phạm Thị Hồng Lệ và Nguyễn Thị Oanh rất cẩn thận ngay từ khi xuất phát.
Ngay khi hiệu lệnh bắt đầu, cả Oanh và Lệ cùng bứt lên tạo khoảng cách xa với nhóm các tuyển thủ của Singapore, Myanmar, Lào, Campuchia, Timor Lester, Philippines. Từ trên khán đài, HLV Nguyễn Văn Sỹ của đội tuyển liên tục có sự chỉ đạo để cả 2 tuyển thủ giữ được khoảng cách an toàn trước các đối thủ. Suốt đường chạy, lần lượt Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Hồng Lệ thay nhau là người dẫn đầu.
Khi tiếng chuông báo hiệu chỉ còn 1 vòng sân cuối cùng là kết thúc, Nguyễn Thị Oanh đã vượt hẳn lên bứt tốc bỏ lại đồng đội Phạm Thị Hồng Lệ phía sau để cán đích đầu tiên với thông số 16’44”06 giành HCV đồng thời là chiếc HCV cá nhân thứ 2 của mình ngay tại ngày đầu tiên thi đấu SEA Games 31. Trong buổi sáng thi đấu, Nguyễn Thị Oanh đã vô địch cự ly 1500m nữ.
Càng vinh dự hơn, ngay sau khi về đích, Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Hồng Lệ được Phó Thủ tướng Chính phủ đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Ban tổ chức SEA Games 31 – Vũ Đức Đam xuống sân gặp gỡ, động viên chúc mừng. “Tôi rất xúc động và xin gởi chiến thắng này tới tất cả người hâm mộ”, Nguyễn Thị Oanh chỉ kịp chia sẻ sau chiến thắng 5000m.
Tại chung kết buổi tối, điền kinh Việt Nam tiếp tục khẳng định sự thống trị ở đường chạy 1500m khi tuyển thủ Lương Đức Phước về nhất, giành HCV với kết quả 3’54”37. HCB cự ly là tuyển thủ Trần Văn Đảng. Đây là một kết quả bất ngờ cho tất cả giới truyền thông bởi ít người chú ý tới Đức Phương nhưng chân chạy người Đồng Nai lại là nhà vô địch SEA Games 31. Ở một kết quả khác, tuyển thủ ném lao Nguyễn Hoài Văn đã giành HCV SEA Games 31 trong lần tham dự Đại hội kì thứ 3 liên tiếp nhưng đây mới là lần đầu có HCV.
Tại chung kết buổi tối ở sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Ngần Ngọc Nghĩa đã thi đấu 200m nam và giành HCB với thông số 20”74 qua đó phá kỉ lục quốc gia do chính mình xác lập ngay ở buổi sáng là 20”81.