Bóng đá Việt Nam đang trải qua giai đoạn thành công trên đấu trường khu vực, từ Đông Nam Á cho đến châu Á, và nay đang hướng đế mục tiêu xa hơn là World Cup 2022. Bài toán mà VFF đang xây dựng hẳn rất nhiều khó khăn khi vừa ổn định, giữ vững phong độ cho đội tuyển quốc gia vừa tiếp tục trui rèn các lứa trẻ để vững vàng các tuyến kế thừa.
Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện cùng ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực VFF về những chiến lược mà bóng đá Việt Nam đang xây dựng...
+ Trước hết, xin chúc mừng ông vừa tiếp tục được AFC tín nhiệm ở vai trò Ủy viên Ban chấp hành. Ông có thể giới thiệu sơ qua về bộ máy tổ chức của AFC hiện nay?
- Ông Trần Quốc Tuấn: AFC bao gồm 47 Liên đoàn thành viên, là cơ quan quản lý và điều hành các các giải thi đấu bóng đá cấp châu lục cũng như thực hiện các chính sách, các dự án nhằm thúc đẩy hoạt động phát triển bóng đá của châu Á. Ban chấp hành AFC gồm 25 Ủy viên được bầu ra tại Đại hội, trong đó có 1 Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch, 6 Ủy viên Hội đồng FIFA, 14 Ủy viên trong đó có 5 Ủy viên là nữ.
Ban chấp hành được trao quyền để đưa ra quyết định về tất cả các vấn đề không thuộc Đại hội hoặc không thuộc các cơ quan khác theo quy định của Luật và Điều lệ AFC, do vậy các quyết định của Ban chấp hành AFC có tác động lớn đến hoạt động phát triển của bóng đá tại châu Á nói chung và tại các Liên đoàn thành viên nói riêng.
+ Thêm nhiệm vụ Ủy viên Ban chấp hành ở AFC hẳn là vừa hãnh diện nhưng ắt là bận rộn?
- Ông Trần Quốc Tuấn: Việc được tín nhiệm tham gia vào Ban chấp hành AFC sẽ giúp bóng đá Việt Nam có thêm cơ hội để đẩy mạnh sự phát triển. Bởi như tôi đã nói ở trên, Ban chấp hành AFC chính là cơ quan điều hành các hoạt động của bóng đá châu Á nên việc tham gia vào cơ quan này sẽ giúp chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận với các chủ trương, chính sách của AFC, từ đó sẽ có sự chủ động hơn trong việc điều chỉnh chương trình hoạt động cũng như các định hướng phát triển của bóng đá Việt Nam sao cho phù hợp với mục tiêu chung của bóng đá châu Á cũng như tận dụng tối đa các cơ hội đầu tư từ các chính sách phát triển của AFC.
Công việc nào, vị trí nào cũng đều có những áp lực riêng. Chúng ta luôn phải đối diện trước các thách thức để có giải pháp hợp lý với điều kiện của Việt Nam, hoàn thành trách nhiệm của mình. Việc tham gia vào Ban chấp hành AFC cũng không chiếm nhiều thời gian bởi công việc của Ban chấp hành AFC là đưa ra các quyết sách, định hướng cho sự phát triển của bóng đá châu Á.
- Ông Trần Quốc Tuấn: Đúng vậy, theo quan điểm của tôi điều quan trọng nhất là chúng ta phải duy trì tốt và ổn định được về mặt thành tích cho các cấp độ đội tuyển, đặc biệt là phải tạo ra nhiều giải pháp để tạo sự phát triển một cách đồng bộ cho bóng đá Việt Nam. Chúng ta cần phải thống nhất quan điểm gốc rễ của ĐTQG vẫn là bóng đá trẻ. Bóng đá Việt Nam cần tiếp tục có sự đầu tư vào phát triển các hệ thống thi đấu trong nước, đầu tư vào bóng đá trẻ, phấn đấu để các đội tuyển trẻ từ U.16 cho đến U.23 liên tục góp mặt tại VCK châu Á, đó tiền đề để tạo sự chuyển biến về chất cho đỉnh cao nhất là ĐTQG.
- Ông Trần Quốc Tuấn: Năm 2019 là một năm rất thử thách với bóng đá Việt Nam với 3 mục tiêu quan trọng cần phấn đấu hoàn thành. Đó là Vòng loại U.23 châu Á 2020, Vòng loại World Cup 2022 và SEA Games 30. Mục tiêu đầu tiên chúng ta đã đạt được một cách xuất sắc với 3 trận toàn thắng, trong đó có chiến thắng quan trọng trước U23 Thái Lan để giành quyền tham dự VCK U23 châu Á 2020.
Ngay sau khi kết thúc vòng loại U23 châu Á, Thường trực VFF đã chỉ đạo các bộ phận chức năng tiếp tục làm việc với HLV trưởng Park Hang-seo để tính toán chương trình chuẩn bị cho 2 mục tiêu tiếp theo, từ công tác tập huấn, thi đấu giao hữu không chỉ cho các đội tuyển Quốc gia nam nữ, futsal mà cả các đội trẻ U.22, U.16, U.19 và cả đội U.20 futsal đã hoàn thành hướng đến sự chuẩn bị cho các sự kiện trong năm, sắp xếp các hệ thống thi đấu trong nước, làm sao có tính hợp lý để bảo đảm tất cả các mục tiêu của chúng ta được thực hiện một cách tốt nhất.