Đam mê trở thành động lực
21 huy chương trong nước và quốc tế, trong đó có 5 năm liên tiếp vô địch giải TBNT quốc gia, 2 HCV tại giải châu Á và là đại diện Việt Nam đầu tiên tham dự các giải đấu TBNT thế giới danh giá là cả một gia tài thành tích đáng ngưỡng mộ mà Trần Khánh Linh đạt được ở tuổi 16. Thế nhưng để có được những thành tích như thế, Khánh Linh đã phải nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt 7 năm qua, không chỉ có những giọt mồ hôi rơi, mà còn là máu và nước mắt.
Nói về cơ duyên gắn bó với bộ môn, Trần Khánh Linh chia sẻ: “Em tham gia TBNT lúc 9 tuổi. Khi đó ở gần nhà có mở một sân băng, mẹ em thấy đây là một bộ môn mới lạ nên đã cho em thử học xem sao. Bắt đầu từ đó, niềm đam mê trong em lớn dần và quyết định theo con đường vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp chỉ sau một năm. TBNT là môn thể thao vô cùng cuốn hút, luôn có các kỹ thuật cao hơn, khó hơn để VĐV chinh phục. Nhưng để thực hiện được những động tác đẹp mắt đó thì đòi hỏi VĐV phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức tập luyện. Càng luyện tập em càng muốn gắn bó với bộ môn, từ bao giờ TBNT đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của em”.
TBNT là môn thể thao mang tính đặc thù cao, yêu cầu VĐV phải có sức bền, thể lực tốt, dẻo dai và sự khéo léo. Trên nền nhạc du dương, VĐV lao đi vun vút bằng đôi giày trượt trên sân băng, uyển chuyển như một vũ công, thực hiện những động tác nhảy, xoay tại chỗ, xoay vòng trên không…khiến người xem phải thán phục. Vậy là cô gái khi đó mới chỉ 10 tuổi đã bước vào con đường tập luyện của một VĐV chuyên nghiệp.
Không như các bạn bè cùng trang lứa, nữ VĐV phải đánh đổi một phần tuổi thơ để theo đuổi đam mê. Đó là những lần tập huấn xa nhà hay các chuyến thi đấu ở nước ngoài, hoặc chỉ có duy nhất một ngày nghỉ trong tuần và 6 ngày còn lại phải luyện tập trên sân băng sau khi đã hoàn thành việc học ở trường. Việc phải đảm bảo giữa học văn hóa và tham gia luyện tập cùng một lúc khiến em gặp khó khăn khá lớn. Do vậy, Linh gần như không có thời gian rảnh và rất ít thời gian để nghỉ ngơi.
Ngoài các kỹ thuật trượt băng thì những bài tập bổ trợ off – ice (trên đất) là thiết yếu và bắt buộc. VĐV sinh năm 2005 này phải rèn luyện thể lực chuyên môn để tăng sức bền, chịu đau khi tập ép dẻo, chưa kể những bài tập ngoài sân khác như ba-lê, nhảy để nâng cao điểm trình diễn, nghệ thuật. Trong luyện tập, việc té ngã là rất thường xuyên, chân tay nhiều vết bầm tím, đau đớn là thế nhưng ngã xong Khánh Linh lại nhanh chóng đứng dậy để tập tiếp.
“Có lẽ thành tích làm em ấn tượng nhất đó là tấm HCB tại giải TBNT vô địch quốc gia Indonesia 2018. Bởi lẽ chỉ 2 năm trước đó, em xếp ở vị trí cuối cùng tại giải. Đó chính là một cú sốc tinh thần rất lớn với em nhưng đồng thời cũng là động lực để em quyết tâm tập luyện chăm chỉ hơn. Em đã sang Úc tập huấn với lịch trình tập luyện 10 tiếng/1 ngày đầy khắc nghiệt, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Sau 2 năm quay lại, em đã đứng dậy được từ thất bại và đạt được thành quả xứng đáng”, Khánh Linh cho hay.
Vượt qua khó khăn
Với Khánh Linh, TBNT đã giúp em rèn luyện được sức khỏe, cơ thể dẻo dai, thân hình đẹp, cũng như hình thành tính kỷ luật, tự lập, bản lĩnh thi đấu và khả năng ngoại ngữ tốt. Tuy vậy, vẫn còn đó những khó khăn mà Linh phải đối mặt trong suốt quá trình tập luyện như: chưa có sân băng đủ chuẩn chuyên nghiệp; không có HLV trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm; muốn tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp thì thường phải sang nước ngoài…
Để thực hiện được một kỹ thuật nào đó trong TBNT có thể sẽ mất vài tháng, đặc biệt các kỹ thuật nhảy xoay trên không có khi phải tập luyện vài năm. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối Khánh Linh vẫn là việc không có HLV trực tiếp hướng dẫn. Hiện nữ VĐV đang tập luyện dưới sự hướng dẫn trực tuyến của HLV người Nga, thế nhưng phương pháp này cũng có một số trở ngại khi HLV không thể thấy rõ từng động tác thông qua màn hình để chỉnh sửa cho em được. Không có người trực tiếp chỉ dẫn khiến Khánh Linh dễ tập sai động tác hoặc không giới hạn được cường độ tập luyện, điều này đã khiến em gặp chấn thương.
“Những thời điểm tập luyện quá dài mà không có HLV chỉ dẫn hay không có giải để tham gia thi đấu nhiều lúc làm em cảm thấy chán nản. Đôi lúc gặp những động tác quá khó và khắc nghiệt làm em cảm thấy bất lực, nhưng đam mê đã giúp em thúc đẩy bản thân cố gắng thêm nữa. Chỉ cần nghĩ đến những lúc thi đấu ở đấu trường quốc tế, cái tên Việt Nam được vang lên là em cảm thấy quá đỗi tự hào và hạnh phúc, bao nhiêu khó khăn cũng vượt qua hết…”, Khánh Linh bộc bạch.
Không chỉ tài năng trên sân băng, Trần Khánh Linh còn có khiếu hội họa. Khánh Linh cho hay, TBNT và hội họa đều là những môn nghệ thuật, có điểm tương đồng và góp phần bổ trợ lẫn nhau. Tham gia hội họa, em rèn luyện tâm hồn thanh tịnh, từ đó giúp cảm nhận âm nhạc và cảm xúc nhân vật trong bài biểu diễn TBNT tốt hơn. |