*Phóng viên: Thưa ông, bóng rổ Việt Nam vài năm trở lại đây đã định hình được giải đấu bài bản, lại có sự tham gia đầu tư của nhiều doanh nghiệp, tạo đà cho bước chuyển mình từ bán chuyên lên chuyên nghiệp, nhưng đã thực sự thay đổi so với trước kia?
-Ông Đặng Hà Việt: Đại hội Liên đoàn bóng rổ Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 đã thống nhất mục tiêu đưa bóng rổ thành môn thể thao phổ biến thứ 2 ở Việt Nam. Đây là điều rất khó, vì thời điểm đó cả nước chỉ có vài địa phương giữ truyền thống đầu tư như TPHCM, Hà Nội, Bình Thuận, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang… Các giải đấu có trình độ chuyên môn hạn chế, không thu hút được sự quan tâm, giá trị thương hiệu giải quốc gia gần như bằng không nên không có tài trợ và nhà đầu tư tiềm năng tham gia. Chúng tôi đã quyết định phát triển bóng rổ chuyên nghiệp trước, làm “đầu kéo” về chuyên môn và truyền thông để nhiều người biết đến bóng rổ hơn, lấy đà phát triển bóng rổ cho mọi người. Bước đi hợp lý đó giúp giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam bước vào mùa bóng thứ 5 được hàng triệu lượt người quan tâm. 63 tỉnh thành đều có các CLB bóng rổ và giải thi đấu không chuyên; chương trình bóng rổ học đường đào tạo được vài ngàn giáo viên có thể dạy bóng rổ ở cấp độ cơ bản; đội tuyển bóng rổ nam đã có huy chương SEA Games ở 2 nội dung 3x3 và 5x5 và theo thống kê của NBA, Việt Nam có tốc độ phát triển bóng rổ nhanh nhất khu vực và hiện có khoảng 18 triệu người chơi, xem bóng rổ.
-Năm 2016, Liên đoàn bóng rổ Việt Nam cùng các đối tác đã tổ chức giải bóng rổ chuyên nghiệp VBA với 5 đội tham gia. Sau 1 năm, số lượng tăng lên 6 đội và năm 2020 chúng ta đã có 7 đội VBA. Hiện tại vẫn đang ở giai đoạn 1 của chiến lược, số lượng các đội có thể lên tới tối đa 12 đội. Tuy nhiên, đây là việc phải tính toán chắc chắn theo sự phát triển phong trào, sự quan tâm người hâm mộ, sự phát triển nền kinh tế xã hội và phải có nhà đầu tư có tiềm năng, có niềm đam mê bóng rổ cũng như mong ước đầu tư lâu dài.
*Việc các CLB đang chơi ở VBA sử dụng nhiều ngoại binh hoặc VĐV Việt kiều, cơ hội cho các VĐV trong nước thể hiện ra sao, đặc biệt là những VĐV trẻ cần được tôi luyện qua những trận đấu và giải đấu có trình độ chuyên môn cao như ở VBA?
-Giải đấu chính là môi trường đào tạo VĐV tốt nhất. Trình độ chuyên môn của giải càng cao thì năng lực của VĐV được nâng lên và ngược lại. Liên đoàn luôn kỳ vọng nâng cao trình độ chuyên môn VĐV gốc Việt được đào tạo bóng rổ ở nước ngoài và VĐV người Việt được đào tạo trong nước để không ngừng nâng chất lượng giải đấu và hướng tới đội tuyển quốc gia đạt thành tích cao ở khu vực và thế giới. Mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên, chúng ta nhìn thấy sự chênh lệch rất lớn về trình độ chuyên môn của VĐV Việt kiều và VĐV trong nước, nhưng khoảng cách đó được thu hẹp và đến năm nay thì mỗi đội VBA chỉ được đăng ký 1 VĐV Việt kiều. Điều lệ giải VBA buộc các đội phải đào tạo trẻ, yêu cầu vào mùa giải chuyên nghiệp thì các đội phải có 3 VĐV trẻ tài năng trong đội hình để tập và thi đấu, tức là Liên đoàn rất chú trọng công tác đào tạo VĐV trẻ trong nước, nhưng sẽ không bỏ qua các tài năng gốc Việt muốn quay về phục vụ đất nước.
-Phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu, vì mọi sự hào nhoáng, đánh bóng thương hiệu không tồn tại trên con đường phát triển của bóng rổ Việt Nam. Như chúng ta thấy, các thương hiệu đội bóng rổ chuyên nghiệp đều được xây dựng độc lập và sẽ tồn tại suốt trong trái tim người hâm mộ, chúng ta không thấy tên đội bóng gắn với tên của nhà đầu tư như 1 số môn thể thao khác của Việt Nam. Các nhà đầu tư bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam đều là những người có đam mê mong muốn phát triển bộ môn bóng rổ này. Bóng rổ chuyên nghiệp và bóng rổ phong trào có quan hệ mật thiết. Hiện nay, giải bóng rổ hay nhất thế giới NBA đứng thứ 4 trên thế giới về doanh thu (năm 2018 đạt dưới 5 tỷ USD, năm 2019 đạt trên 5 tỷ USD) và 70% doanh thu đến từ bản quyền truyền hình (30% còn lại đến từ quảng cáo, bán vé, bán thức ăn, thức uống, giữ xe, đồ lưu niệm…).
*Liên đoàn bóng rổ Việt Nam định hướng tương lai ra sao, chọn phát triển ở đỉnh cao, nâng chất ở cấp CLB thi đấu tại VBA hay sẽ giải quyết vấn đề bấy lâu nay: chưa tận dụng được nguồn lực con người từ học đường, nơi được xem là “nguồn cung” VĐV năng khiếu rất lớn?
-Liên đoàn bóng rổ Việt Nam luôn kiên định với 3 đột phá: Thể thao thành tích cao (đội tuyển quốc gia nam và nữ đạt thành tích cao ở khu vực; Giải bóng rổ chuyên nghiệp VBA làm “đầu kéo” về chuyên môn và truyền thông; giải vô địch quốc gia, giải trẻ là nơi đào tạo, tìm kiếm tài năng thể thao bóng rổ cho nước nhà), bóng rổ cho mọi người (cùng với các địa phương phát triển phong trào bóng rổ không chuyên; tiếp tục các chương trình đột phá đào tạo giáo viên bóng rổ, phát triển bóng rổ trường học và lực lượng vũ trang) và phối hợp NBA, Trường Đại học TDTT TPHCM xây dựng chương trình đào tạo HLV, giáo viên bóng rổ bậc học cử nhân theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp nhằm tạo các máy cái có trình độ chuyên môn cao cho nước nhà.
-Bóng rổ Việt Nam đã phát triển vượt bậc thời gian gần đây, trở thành 1 trong 4 nước ở Đông Nam Á có giải chuyên nghiệp. Chúng ta được FIBA, NBA đánh giá là nước có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực và được NBA chọn làm đối tác phát triển. Mặc dù Việt Nam đã có huy chương SEA Games, nhưng để đổi thành màu vàng khu vực và vươn tầm châu lục thì cần thêm thời gian. Chúng tôi xác định cần có chiến lược dài hạn, trước mắt tập trung phát triển môn bóng rổ 3x3. Đối với bóng rổ 5x5 chúng ta cần thời gian nhiều hơn trong công tác đào tạo, tìm kiếm tài năng, đặc biệt các VĐV thi đấu ở vị trí số 4, số 5 cần có chiều cao và sức mạnh lý tưởng (cao 2m15-2m30), hiện tại chúng ta mới có 1 số VĐV trẻ đạt chiều cao 2m05.