Với chiều cao áo đảo, thể trạng vượt trội so với “Darth” Ryan Bader (võ sĩ vô địch PFL người Brazil cao đến 2 mét 03 so với đối thủ vô địch Bellator chỉ cao 1 mét 88), Ferreira đã nhanh chóng chiếm lấy ưu thế khi hiệp 1 vừa mới diễn ra.
Ngay ở giây thứ 8, 2 đòn quyền liên hoàn trái phải của Ferreira đã quật ngã Bader ra sàn đài, ngay lập tức, “Problema” gây vấn đề cho đối thủ khi lao vào đấm túi bụi, “Darth” chỉ biết ôm đầu chịu trận. Trọng tài buộc phải lao vào can ngăn, trao chiến thắng TKO cho Ferreira.
Đây là trận thắng thứ 13/19 trận thượng đài MMA của Gã khổng lồ quê Porangatu, trong đó có đến 11 chiến thắng bằng KO (ngoài ra, Ferreira còn có 3 trận thua và 3 trận không phân ra thắng bại).
Ngay sau khi trở thành Nhà vô địch tối thượng hạng nặng của PFL và Bellator lần đầu tiên ở trong lịch sử, võ sĩ trải qua chuỗi 4 trận thắng liên tiếp gần đây không mất nhiều thời gian để gọi tên “The Predator” Francis Ngannou, người đang chuẩn bị so quyền môn quyền Anh chuyên nghiệp với Anthony Joshua, nhưng vẫn có tâm hướng về MMA...
“Francis, cậu đâu rồi nè?”, Ferreira tuyên bố khi đeo trên mình chiếc đai vô địch hạng nặng cực kỳ đặc biệt, “Tôi vẫn đang chờ đợi cậu nè. Hãy cùng nhau chiến nhé. Tôi đã là Nhà vô địch ở ngoài đây rồi nè”.
Nên nhớ, Ngannou dù rất muốn so găng - và đọ quyền với AJ “cơ bắp”, sau đó tái chiến với Tyson Fury “giận dữ” trên sàn đài quyền Anh chuyên nghiệp, vẫn đã ký hợp đồng với PFL và nhiều lần thể hiện còn quan tâm với bộ môn MMA.
Anh từng tuyên bố, anh muốn “chiến” với người chiến thắng ở hạng cân nặng tại sự kiện: “PFL vs Bellator: Champs”: “Tôi nghĩ rằng, người giành chiến thắng trong trận đấu đó sẽ là gã mà tôi muốn đấu khi quay trở lại với MMA”.
“Đây là ý định của tôi khi muốn quay trở lại với MMA. Khi tôi nghĩ rằng, điều đó tùy thuộc chính xác vào những gì xảy ra vào ngày 3-3 tới (ngày Ngannou đối mặt với AJ, cũng tại sàn đài Kingdom Arena ở Riyadh)”.
“Cả Renan Ferreira lẫn Ryan Bader đều là những nhà vô địch, và 1 trong số họ sẽ trở thành Nhà vô địch của những nhà vô địch”. Vì thế, tôi nghĩ, sẽ chẳng còn cách nào tốt hơn để tìm một đối thủ cho tôi, khi tự bản thân tôi cũng là Nhà vô địch nữa”.
Sự kiện “PFL vs Bellator: Champs” có đến 6 loạt trận Main Card. Ngoài thất bại của Bader, các võ sĩ đến từ Bellator cho thấy sự vượt trội về đẳng cấp - lịch duyệt và cả kinh nghiệm, khi thắng 5/6 trận đấu còn lại.
Lần lượt, “Mã gian lận” Johnny Eblen đánh bại “Tshilobo” Impa Kasanganay bằng điểm số sau 3 hiệp đấu ở hạng cân trung; “Cỗ máy sút mông” Jason Jackson đánh bại Bradda Boy” Ray Cooper III bằng TKO ở trận đấu “quá ký”...
Còn Vadim Nemkov thì đánh bại Bruno Cappelozza bằng Submission kỹ thuật (đòn khóa tay tam giác) ở hạng nặng; “Chiến binh của Chúa” Yoel Romero đánh bại “Búa tạ” Thiago Santos bằng điểm số sau 3 hiệp đấu ở hạng dưới ; và cuối cùng, “Lính đánh thuê” A. J. McKee đánh bại “Cassius” Clay Collard bằng Submission nhờ đòn khóa tay ở hạng nhẹ.
Đến thời điểm này, có thể thấy rằng, dù PFL (sáng lập hồi năm 2018) có chi tiền để mua lại Bellator (sáng lập hồi năm 2008) vốn đang làm ăn thua lỗ, nhưng nội tình nông sâu giữa 2 hệ giải, 2 tổ chức MMA này vẫn là rất khác nhau.
Bellator dù cho có số phận đang rất long đong, vẫn không hổ danh là “Hệ giải MMA đệ nhị”, thật sự chỉ thua sút “vài đôi chút” so với UFC “uy trấn bát phương” của “Ông bầu trọc đầu” Dana White mà thôi.
Tuy vậy, sự kiện PFL vs Bellator hẳn sẽ mở ra một phương hướng phát triển mới, nơi các hệ giải MMA sẽ không còn tồn tại độc lập mà phối hợp với nhau cùng phát triển...
Và thậm chí, họ cùng nhau tìm ra Nhà vô địch “nhất thống giang hồ” mọi tổ chức MMA trên toàn thế giới, như điều đã xảy ra với WBA, WBO, IBF và WBO trong quyền Anh chuyên nghiệp.