Hướng đến Sydney International 2016
Lần cuối cùng khi mà Petra Kvitova hiện diện ở giải Sydney International (có tên đầy đủ là Apia Sydney International), cô đang hôn chiếc cúp vô địch danh giá sau khi đánh bại “đàn em đồng hương” Karolina Pliskova trong trận đấu chung kết với điểm số 7/6 (7-5), 7/6 (8-6). Hiện tại, người ta cũng không dám chắc, hành động hôn chiếc cúp vô địch đó có phải là nguyên chân chính khiến cô dính… virus “bệnh hôn” hay là không, chỉ biết rằng, trong mùa giải 2015, sau nhiều khoảnh khắc thăng hoa, tay vợt hạng 6 thế giới người CH Séc cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe bởi chứng dư bạch cầu đơn nhân (hay còn được giới y tế gọi là “bệnh hôn”) khiến cho cơ thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và ớn lạnh…
Tại sao giới y tế lại gọi chứng dư bạch cầu đơn nhân là “bệnh hôn”? Virus gây ra chứng dư bạch cầu đơn nhân thường được lây lan qua tuyến nước bọt, nghĩa là những hoạt động hôn hít, âu yếm dễ làm lây lan căn bệnh tưởng như dễ trị nhưng lại vô cùng nguy hiểm này. Căn bệnh này từng gây ra rất nhiều ảnh hưởng cho tay vợt cựu số 1 nam thế giới người Thụy Sĩ Roger Federer trong giai đoạn đầu năm 2008. Nhưng không phải ai cũng may mắn như Federer, có thể quay trở lại thi đấu. Những tay vợt cũng nổi danh không kém Federer như là Mario Ancic (Croatia), Robin Soderling (Thụy Điển) đều là những người buộc phải sớm kết thúc sự nghiệp thi đấu quần vợt chuyên nghiệp vì không thể chữa khỏi chứng bệnh này.
Petra Kvitova.
Về phần mình, Petra cũng bắt đầu phát hiện những triệu chứng đầu tiên của “bệnh hôn” trong giai đoạn giữa mùa giải năm nay. Tay vợt từng 2 lần đăng quang Wimbledon và kết thúc mùa giải năm nay bằng vị trí á quân giải WTA Finals ở Singapore tâm sự: “Ở thời điểm đó, tôi cảm thấy rất là mệt mỏi. Mỗi khi tôi ngủ dậy, tôi đều có cảm giác là, tôi không thể chuẩn bị cho nguyên cả ngày hôm đó. Khi tôi bước ra sân tập, tôi không thể đánh bóng trong một thời gian dài, tôi chỉ có thể đánh bóng trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Khi đó, mọi thứ giống như là: “Ồ, chuyện gì đó đã xảy ra”. Và cuối cùng, chúng tôi đã phải tìm hiểu tại sao tôi có cảm giác rất kỳ lạ, rất là mệt mỏi giống như vậy!”.
Khi Petra cho biết, cô cần phải tiếp tục làm việc, tiếp tục tập luyện, vượt qua tình trạng của bản thân, hoặc có thể cũng do cô chỉ mắc bệnh dư bạch cầu đơn nhân ở mức độ nhẹ, cô bắt đầu thi đấu rất ấn tượng và mạnh mẽ trong giai đoạn còn lại của mùa giải. Việc cô lọt đến trận chung kết WTA Finals và giúp đội tuyển CH Séc đăng quang ngôi vô địch Fed Cup lần thứ 4 trong vòng 5 năm trở lại đây đã chứng minh rằng, không ít thì nhiều, Petra đã hoàn toàn hồi phục khỏi di chứng “bệnh hôn”, và cô đã sẵn sàng cho mùa giải năm mới, mùa giải 2016.
Tính nhất quán luôn là một vấn đề quan trọng với Petra. Tay vợt 25 tuổi này từng 2 lần lên ngôi ở Grand Slam trên mặt sân cỏ, lần gần nhất là ở Wimbledon 2014. Kể từ khi lọt vào tốp 10 thế giới từ năm 2011, cô mới chỉ một lần rớt khỏi 10 thứ hạng đầu trên bảng điểm của WTA, nhưng điều đó chỉ diễn ra “trong chốc lát” và rốt cuộc, cô vẫn luôn hoàn tất các mùa giải bằng một thứ hạng nằm trong tốp 10 thế giới. Ở giải Mutual Madrid Open trên mặt sân đất nện tại Madrid Arena hồi tháng 5 năm nay, cô đã “bắn gục” Serena Williams với điểm số áp đảo 6/2, 6/3 trong trận đấu bán kết, sau đó cô đã đăng quang ngôi vô địch sau khi đánh hạ Svetlana Kuznetsova với điểm số còn khủng khiếp hơn là 6/1 và 6/2. Tuy nhiên, ngay ở thời điểm đó, những cú đánh cuối sân uy lực sở trường của Petra – những cú đánh bóng bay sâu đến khu cuối sân và thường “liếm” vạch vôi cuối sân – đã không còn lợi hại như ngày xưa. Ở thời điểm đó, cô bắt đầu bị di chứng của “bệnh hôn” và tình trạng sức khỏe đã ảnh hưởng không nhỏ đến các miếng đánh của tay vợt quê ở Bilovec.
Nhưng giờ đây, mọi thứ đầu đã là quá khứ, Petra đang rất muốn bay ngay đến Sydney để bảo vệ ngôi vô địch và chuẩn bị một cách tốt nhất cho giải Australian Open – nơi cô từng lọt đến trận bán kết hồi năm 2012. Petra cho biết: “Tôi thật sự mong chờ sớm đến lúc được quay trở lại Sydney. Tuần lễ ở đây hồi năm ngoái là vô cùng tuyệt vời và cũng là sự chuẩn bị rất tốt cho Australian Open. Đây là một thành phố tươi đẹp. Tôi thật sự yêu mến đất nước Australia. Con người ở đây rất thân thiện với nụ cười thường trực trên môi. Thật tuyệt vời khi được gặp gỡ con người ở đây”.
Tính đến thời điểm này của sự nghiệp, Petra đã kiếm được hơn 20 triệu USD tiền thưởng. Đó là một “món hời công bằng” đối với một tay vợt xuất thân từ một gia đình nghèo khó đến nỗi người nhà không có đủ tiền mua một chiếc xe hơi để chở Petra đi thi đấu trong suốt thời gian cô còn nhỏ. Petra tâm sự: “Tôi đã tập luyện từ giờ này sang giờ khác sau khi tan trường, và đó là một ngày của tôi. Tôi nhớ một lần bạn tôi có bảo tôi: “Mình muốn đến hồ bơi”. Cha tôi nói không vì tôi phải chơi bóng. Là một đứa nhỏ, đó là thứ khiến bạn cảm thấy rất buồn, rằng bạn không thể đi chơi. Giờ đây, tôi đã hiểu rõ những giá trị trong quá khứ, nhưng thật sự, ở vào thời điểm đó, mọi thứ là rất khó khăn”.
ĐỖ HOÀNG