Paris Masters 2016 - Djokovic lâm nguy

“Lâm nguy” ở đây không chỉ là nguy cơ đánh mất ngôi  “Nhà vua của ATP” và đành chấp nhận bất lực nhìn “triều đại mới chỉ kéo dài 122 tuần lễ liên tiếp” của mình sụp đổ vào tay của Andy Murray, vì rất có thể, ngay từ sáng sớm ngày hôm nay, Chủ nhật 6-11, Novak Djokovic đã trở thành… tay vợt xếp hạng 2 thế giới, nếu như mà tay vợt người Scotland có thể vượt qua được Milos Raonic trong trận đấu bán kết thứ 2 của Paris Masters 2016. “Lâm nguy” ở đây để chỉ vào cả cái vị thế của một tay vợt lớn, của sự tự tin, của tinh thần và tâm lý… sẽ bị đe dọa, bị hao tổn, thậm chí bị đánh mất sau hàng loạt kết quả tệ hại mà thành tích tệ hại ở Paris Masters chính là “những dữ kiện thực tế mới nhất”.

Có thể chia mùa giải 2016 rất kỳ lạ với tay vợt số 1 thế giới người Serbia thành 2 phần khác biệt hoàn toàn. Ở nửa đầu mùa giải, lấy cột mốc từ Roland Garros trở về trước, Djokovic liên tục “thống lĩnh quần hùng” làm mưa làm gió khắp bốn phương tám hướng, đe dọa biến mùa giải 2016 trở thành mùa giải “thập toàn thập mỹ” thứ 2 sau năm 2015 đáng nhớ với 6/7 ngôi vô địch, trong đó có 2 danh hiệu Grand Slam danh giá, đó là Australian Open và Roland Garros (cùng các danh hiệu nổi bật khác là 3 Masters 1.000 bao gồm BNP Paribas Open – Indian Wells, Key Biscayne – Miami Masters và Madrid Masters; Qatar Open). Tổng cộng, trong 6 tháng đầu năm, Djokovic đã thắng 44/47 trận đấu trong giai đoạn nửa đầu mùa giải.

Trong khi đó, ở nửa sau mùa giải, lấy cột mốc bắt đầu từ khi Roland Garros kết thúc trở về sau, người ta đã phải chứng kiến một Djokovic tệ hại đến khó tin, anh chỉ thắng được 1/7 ngôi vô địch của mùa giải (chiến thắng duy nhất là ở Rogers Cup – Toronto Master) và chỉ đạt thành tích thắng – bại là 17 trận thắng và 5 trận thua, trong đó trận thua mới nhất là trước Marin Cilic với điểm số 4/6, 6/7 (2-7) ở tứ kết Paris Masters 2016. Có thể nói nôm na rằng, trong nửa đầu mùa giải 2016, Djokovic là “Nhà vua”, là “Kẻ đại chinh phạt”, còn trong 6 tháng cuối năm (thực chất chỉ là 5 tháng cuối năm và đương nhiên vẫn chưa thể tính đến thành tích ở ATP World Tour Finals tại London), anh là “nạn nhân”, là “con mồi”, một “kẻ bị săn đuổi”.

Sẽ phải dành ra hàng chục trang giấy để lý giải hiện tượng sa sút kỳ quặc của Djokovic chỉ trong một giai đoạn ngắn kể từ khi đạt đỉnh điểm của sự nghiệp nhờ thắng “Career Grand Slam” ở Paris, anh quá tự mãn, anh không còn khát khao và động lực sau khi hoàn tất cú ăn trọn các danh hiệu Grand Slam, anh có vấn đề về thể lực và chấn thương, tâm lý anh bất ổn hay anh có những vấn đề trong đời sống cá nhân với vợ mình là Jelena Ristic? Nhưng có lẽ, chẳng có lý do nào thuyết phục, cho đến khi Djokovic nói thẳng, nói thật hết tất cả những vấn đề của chính mình. Còn ngay vào lúc này, Djokovic vẫn đang cố tỏ ra lạc quan như những gì mà anh vẫn phải “diễn” kể từ sau danh hiệu Roland Garros 2016.

“Thất bại mới nhất này đã lấy đi rất nhiều thứ của tôi và đặt mọi chuyện trong một cái viễn cảnh mà rõ ràng, khiến dư luận dấy lên những câu hỏi về hướng đi trực diện nào mà tôi muốn bước tới trong tương lai. Vì thế, tôi xin nói là, tôi vẫn đang trong một quá trình tiến lên của thời khắc này và chắc chắn là sẽ phải tốn chút thời gian để tôi có thể thật sự tái định nghĩa lại tất cả mọi thứ. Nhưng tôi vẫn đang ở đây và có cảm giác như là mình vẫn đang đúng đường. Tâm trí của tôi đang ở trong một tình trạng tốt hơn so với trong quá khứ. Đó là tất cả những gì mà tôi đang nghĩ đến ngay vào lúc này. Tôi sẽ phải xếp đặt tâm trí của mình để làm sao tôi có thể trình diễn tốt như những gì tôi mong muốn sau các trận đấu. Tôi vẫn chưa thể tìm được cái đẳng cấp cần kíp đó sau mấy tháng vừa qua”, Djokovic giải thích trước sự chú ý của đông đảo phóng viên trong buổi họp báo sau trận đấu.

Novak Djokovic đang lâm nguy.

Rất có thể, đó cũng sẽ là lần nói chuyện cuối cùng của tay vợt người Serbia trong cương vị “Nhà vua của ATP”, vì rằng Murray đang thổi hơi nóng nghẹt thở ngay phía khúc cua ở sau lưng của Djokovic. Đứng trước nguy cơ mất ngôi số 1, Djokovic vẫn phải bình thản và ngợi khen “kẻ đang đưa anh vào trong tầm nhắm”, vì rốt cuộc, đó cũng chính là thứ duy nhất mà anh có thể làm ngay vào lúc này. Djokovic thừa nhận: “Không còn nghi ngờ gì nữa, phải tôn trọng thật nhiều vào những gì mà anh ấy đã làm được tính cho đến thời điểm này. Tất cả những gì tôi có thể nói là anh ấy xứng đáng có được cái vị thế ngày hôm nay sau những nỗ lực bền bỉ không biết ngừng nghỉ”.

Trong khi đó, bất chấp việc đã bị loại sớm khỏi Paris Masters và ở trong thân phận như “cá nằm trên thớt”, Dominic Thiem vẫn “lách được qua khe cửa hẹp”, giành lấy tấm vé cuối cùng đến với ATP World Tour Finals tại London vì 2 đối thủ cạnh tranh trực tiếp của anh là Tomas Berdych và Jo-Wilfried Tsonga đều không thể đạt được kết quả như mong muốn, cả 2 đều bị loại ở vòng đấu tứ kết Paris Masters. Berdych thua Murray 6/7 (9-11), 5/7, còn Tsonga gác vợt trước Milos Raonic với điểm số 2/6, 67 (4-7). “Tôi rất hạnh phúc khi giành vé đến London, tôi cũng cám ơn Andy và Milos đã giúp đỡ. Đây luôn là giấc mơ từ thuở ấu thơ và trong 2 mùa giải vừa qua, luôn là mục tiêu để tôi phấn đấu. 20 năm sau khi người Áo đầu tiên hiện diện ở đây (Thomas Muster hồi năm 1996), sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời để tôi đối mặt với những tay vợt giỏi dang nhất thế giới”, Thiem bày tỏ.

ĐỖ HOÀNG 

Tin cùng chuyên mục