Paris 2024 và 100 năm nước Pháp tổ chức Thế vận hội

Hôm thứ hai 22-7, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết nước Pháp “sẵn sàng” cho Paris 2024 khi ông đến thăm làng vận động viên vừa mở cửa đón khách hôm 18-7. Ông Macron nhấn mạnh: Chúng tôi đã sẵn sàng và sẽ sẵn sàng trong suốt Thế vận hội. Chúng tôi đã làm việc trong nhiều năm nay và đang bắt đầu một tuần quyết định, 100 năm kể từ lần cuối cùng.

Ngọn đuốc Olympic đã về đến Paris, sẵn sàng châm lên đài lửa vào ngày 26-7
Ngọn đuốc Olympic đã về đến Paris, sẵn sàng châm lên đài lửa vào ngày 26-7

Xứng tầm 100 năm của Paris

Hãng tin AFP cho biết Pháp chi gần 9 tỷ EUR (9,5 tỷ USD) để đăng cai Olympic Paris nhưng các quan chức hàng đầu cho rằng kết quả mà nước Pháp có được có thể mang tính “tâm lý” hơn là kinh tế.

Thế vận hội hay bất kỳ sự kiện thể thao vĩ đại nào khác đang ngày càng đắt đỏ. Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản cho biết Tokyo 2020 tiêu tốn khoảng 12,9 tỷ USD. Bộ Tài chính Hy Lạp ước tính rằng Athens 2004 tiêu tốn 9,1 tỷ USD - dù một số ước tính độc lập là gần 15 tỷ USD, khiến nền kinh tế quốc gia này gần như sụp đổ sau đó. London 2012 có chi phí tới 15 tỷ USD.

Chính phủ nước đăng cai và chính quyền địa phương cho đến nay đã cam kết đầu tư khoảng 2,4 tỷ EUR chủ yếu dành cho xây dựng. Nhưng ủy ban tài chính của Chính phủ Pháp ước tính chi phí cuối cùng có thể lên tới 5 tỷ EUR. Theo CDES, cơ quan giám sát Paris 2024 cho IOC, sự kiện này sẽ mang lại lợi ích kinh tế 6,7 tỷ - 11,1 tỷ EUR cho khu vực Paris, nhưng sẽ được trải đều trong 20 năm từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước mắt, nguồn thu từ bán vé, tài trợ và quỹ đối ứng của IOC sẽ rơi vào khoảng 4,4 tỷ EUR. Một ước tính khác cho biết Paris 2024 sẽ mang lại 5,3 tỷ EUR tiền thuế và doanh thu xã hội bổ sung.

Thống đốc Ngân hàng Pháp Francois Villeroy de Galhau đánh giá Paris 2024 sẽ có tác động “tâm lý” nhiều hơn là kinh tế. Tuy nhiên, ông cho biết nếu Pháp có thể cải thiện hình ảnh của mình trên toàn thế giới thông qua Thế vận hội, cuối cùng nước này có thể mong đợi những khoản đầu tư mới.

Tròn 100 năm kể từ 1924, Paris mới đăng cai Thế vận hội lần thứ 2. Khi mặt trời lặn trên Paris vào ngày 26-7, một đội thuyền chở hàng ngàn VĐV sẽ khởi hành dọc sông Seine, được hàng trăm ngàn khán giả cổ vũ, 220.000 người trong số họ được xem miễn phí. Đoàn diễu hành sẽ đi 6km dọc sông, qua các điểm tham quan nổi tiếng nhất của thành phố trong một “cảnh tượng đa giác quan độc đáo”. Đó sẽ là lễ khai mạc lớn nhất và táo bạo nhất trong lịch sử khi lần đầu diễn ra bên ngoài sân vận động.

Paris cổ kính của di sản, Paris hoa lệ của thơ và nhạc sẽ là nơi diễn ra những trận đối đầu kinh điển của thể thao thế giới. Chẳng hạn như trận đấu trong bể bơi giữa VĐV Canada Summer McIntosh và Katie Ledecky của Mỹ trên đường đua 800m. Những con mắt của người Pháp sẽ đổ dồn vào Antoine Dupont ở nội dung bóng bầu dục nam hay VĐV bơi lội Léon Marchand, người vừa phá kỷ lục thế giới của Michael Phelps. Paris là nơi mà ngôi sao lớn nhất Thế vận hội người Mỹ Simone Biles được kỳ vọng tỏa sáng lần nữa sau Tokyo 2020 rất thất vọng.

Để tôn vinh Paris, gần chục địa điểm thi đấu sẽ diễn ra ở các địa điểm lịch sử, văn hóa nổi tiếng thế giới như tháp Effiel, quảng trường Concord … Paris 2024 sẽ kết thúc với một màn trình diễn ngoạn mục, khi cuộc đua marathon dành cho nữ được tổ chức trên đúng lộ trình của “Cuộc Tuần hành Phụ nữ” ở Versailles năm 1789, khởi nguồn cuộc Cách mạng Pháp.

Niềm tự hào quốc gia

Olympic luôn là sự kiện thể thao được theo dõi nhiều nhất khắp hành tinh. Bài học từ Euro 2024 cho thấy, khi các vấn đề địa chính trị ngày càng lan rộng, Paris 2024 cũng không phải là ngoại lệ.

Trước World Cup 2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố: “Không được chính trị hóa thể thao”. Nhưng ai cũng biết rằng lịch sử thể thao được viết lên từ những sự kiện chính trị lớn. Ngay tại Euro 2024, người ta còn cho rằng thái độ của Mbappe và đồng đội ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tại Pháp.

Cuộc xung đột ở Ukraine đang là tâm điểm. Đoàn thể thao Nga đã bị cấm tham dự. IOC chỉ cấp phép cho 22 VĐV Nga và 17 VĐV Belarus đến Paris 2024 với tư cách “VĐV trung lập” sau khi xác định họ không ủng hộ cuộc chiến tại Ukraine và không có mối liên hệ với quân đội Nga. Một câu chuyện khác liên quan đến Afghanistan. Nước này tham gia với yêu cầu bắt buộc từ IOC là phải cân bằng VĐV nam nữ. Chế độ Taliban vẫn cấm phụ nữ chơi thể thao, đến sân vận động hay nhà thi đấu thể thao.

Cuộc chiến tại Dải Gaza cũng là một điểm đáng chú ý tại Paris 2024. Chủ tịch Ủy ban Olympic Palestine, Jibril Rajoub, hôm 12-6 đã bày tỏ mong muốn Thế vận hội sẽ là dịp để thu hút sự hơn nữa chú ý của dư luận quốc tế vào cuộc chiến tại Gaza, “Paris là thời điểm lịch sử và quan trọng. Vì thế, chúng tôi sẽ cố gắng có những VĐV của Gaza hay gốc ở Gaza”. IOC không dự tính cấm Israel tham gia Olympic Paris, dù trước đó các dân biểu cánh tả Pháp đã yêu cầu các VĐV nước này phải thi đấu dưới màu cờ trung lập.

Ngay ở nước Pháp đang bất ổn chính trị, Paris 2024 chính là điểm nhấn để tạo ra sự hàn gắn. Nhật báo Le Monde dành trang nhất đăng bài xã luận nói về niềm tự hào của nước Pháp khi chuẩn bị tổ chức Paris 2024: “Lòng nhiệt thành của quần chúng đối với quá trình rước đuốc Olympic từ tháng 6 đến nay cho thấy những gì Olympic và Paralympic có thể mang lại: Cơ hội để cùng nhau tham gia một sự kiện với không khí lễ hội mà Pháp đang cần hơn bao giờ hết”.

Tờ báo nhận định những khoảnh khắc mà đất nước có thể đoàn kết thực sự quá hiếm hoi để bỏ qua. Ở một nước Pháp ngày càng bị chia rẽ, Thế vận hội sẽ là sự kiện quý giá mà mọi người đều có thể tận hưởng. Le Monde cho rằng Olympic 2024 có thể sẽ là cầu nối giữa những gì đã được thực hiện trong quá khứ với những điều mà Thế vận hội sẽ hướng tới trong tương lai.

Le Monde kết luận Pháp sẽ không được lợi gì nếu thất bại trong việc tổ chức Paris 2024. Các chính trị gia dường như cũng đã thức tỉnh về vấn đề này. Sau những bất đồng trong những tháng đầu tiên, cuối cùng mọi người cũng đều hướng về cùng một mục tiêu. Paris nói riêng và Pháp nói chung sẽ phải cho thế giới thấy một hình ảnh tích cực về đất nước và tự nhủ rằng người Pháp có đủ mọi khả năng biến kỳ Olympic này thành niềm hạnh phúc, niềm tự hào tập thể và dân tộc.

Đây là lần thứ 3 Pháp trở thành nước chủ nhà tổ chức Olympic mùa hè. So với Tokyo 2020, Olympic Paris 2024 có sự điều chỉnh về số lượng nội dung thi đấu. Đại hội năm nay chỉ tổ chức 329 nội dung thuộc 48 phân môn của 32 môn thể thao, giảm so với 339 nội dung của kỳ trước. Hầu hết các nội dung thi đấu Olympic 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Paris và những vùng đô thị lân cận: Saint-Denis, Le Bourget, Nanterre, Versailles và Vaires-sur-Marne. Bóng ném sẽ diễn ra ngay tại Lille còn nội dung thi đấu thuyền buồm và một số trận bóng đá sẽ diễn ra tại Marseille.

Tin cùng chuyên mục