Novak Djokovic sẽ tiếp tục làm việc với “siêu HLV” Andre Agassi (thuật ngữ… “siêu HLV” lần đầu tiên được nói ra bởi Boris Becker khi mà ông này tán dương việc Djokovic “bái sư” huyền thoại quần vợt người Mỹ) ở kỳ giải Wimbledon 2017, nhưng mối quan hệ này không phải là một mối quan hệ kéo dài, vì vị HLV người Mỹ không có ý định làm việc “lâu dài và trọn vẹn” với tay vợt cựu số 1 thế giới người Serbia. Thậm chí, bộ đôi này có thể lại tái hiện “cảnh cũ, người cũ” như những gì đã từng xảy ra ở Roland Garros – Agassi chỉ kèm cặp Djokovic trong tuần lễ đầu tiên và ngay khi người ta nhìn thấy anh này có những tiến bộ nhất định, Agassi lại “quất ngựa truy phong” khi French Open bước vào tuần lễ thứ 2, đơn giản vì ông lỡ hẹn… đi nghỉ ngơi cùng với gia đình mình.
Có thời điểm ở mùa giải năm ngoái, Djokovic đã sở hữu cả 4 danh hiệu Grand Slam cùng một lúc. Khi đó, người ta chẳng thèm so sánh anh với “2 đại ca lãnh đạo” là Roger Federer và Rafael Nadal, người ta so sánh thẳng anh với một “huyền thoại của những huyền thoại”, đó là vị “tiền bối xưa cũ” Rod Laver. Còn ngay vào lúc này, anh chẳng còn một danh hiệu Grand Slam nào trong tay cả. Anh là nhà cựu vô địch ở cả 4 giải Grand Slam, và anh đã thuê Agassi để chận đứng đà suy thoái này. Mối quan hệ này, bắt đầu trước khi Roland Garros khởi tranh, có một mục tiêu rõ ràng và cụ thể.
Theo huyền thoại “nhiều chuyện” John McEnroe, để Novak có thể hưởng lợi ích từ kinh nghiệm và những bài học của Agassi, anh phải làm việc cùng ông thầy người Mỹ này trong ít nhất… 1 tháng. Nhưng mối quan hệ đó chỉ kéo dài đúng 1 tuần lễ ngắn ngủi ở Paris, để rồi sau đó, Novak lại trượt dài với sự thất vọng với phong độ, và sự đau đớn với tinh thần. Tay vợt hạng… 4 thế giới (âm thanh sao nghe xa lạ quá) đã để thua Dominic Thiem ở tứ kết Roland Garros, ngay thời điểm mà nếu tiếp tục làm việc với Agassi, có lẽ anh sẽ tìm được cách vượt qua tay vợt trẻ người Áo. Nhưng không có từ “nếu”, trong thể thao và trong quần vợt.
Vậy nên, khi Djokovic thông báo, mối quan hệ giữa anh và Agassi sẽ kéo dài hơn… 1 tuần lễ, bắt đầu từ giải Aegon International tại Eastbourne (Anh quốc), ai cũng cảm thấy mừng cho anh. Nhưng hơn 1 tuần lễ là bao lâu? 2 tuần cũng là hơn 1 tuần lễ. Hay là 3 tuần? Hay là cho đến hết giải tại Eastbourne. Sau đó ở Wimbledon thì sao? Phải có một kỳ hạn rõ ràng và cụ thể chứ, đúng không?
Hãy nghe những gì Djokovic nói: “Andre sẽ đến với tôi vào cuối tuần này. Anh ấy sẽ ở đây cho đến trước khi giải đấu tại Eastbourne khởi tranh. Andre có một cuộc sống rất là bận rộn. Anh ấy có một gia đình to bự, anh ấy sống ở miền bờ biển phía Tây của nước Mỹ. Anh ấy sở hữu Quỹ từ thiện của riêng mình, rồi công việc kinh doanh, và rất nhiều thứ khác trong cuộc sống vốn ngốn rất nhiều thời gian. Tôi rất cảm kích khi anh ấy cân nhắc để làm việc với tôi. Chúng tôi không có một hình thức cụ thể nào. Đơn giản, chỉ là anh ấy có thể như thế nào và cảm thấy như thế nào với tôi, tôi chấp nhận điều đó. Anh ấy cũng sẽ ở London cho cả Wimbledon. Anh ấy sẽ ở lại cho đến khi nào tôi vẫn còn trụ lại được ở giải đấu này. Ở Pháp, chúng tôi đã trải qua 8 hay 9 ngày cùng nhau, và điều đó là rất giá trị (nghe cứ như đôi lứa hẹn hò lén lút yêu đương với nhau nhỉ). Chúng tôi đã cùng chia sẻ nhiều kinh nghiệm ở trong lẫn ngoài sân đấu. Thật thú vị khi nghe về tầm nhìn của anh ấy và những gì mà anh ấy nhận ra để cải thiện và tìm lại khát khao đẳng cấp dành cho tôi”.
Rõ ràng, Djokovic đã nói về một hạn định cụ thể, dù nó rất là “mơ hồ”. “Cho đến khi nào Djokovic vẫn còn trụ lại được với giải đấu”, vậy là sao? Nếu anh bị loại sớm ngay ở tuần lễ đầu tiên, mối quan hệ này sẽ lại chấp dứt, đương nhiên là, thêm một lần nữa. Nếu anh vượt qua tuần lễ thứ 2, nếu anh lọt đến bán kết, rồi chung kết, rồi đăng quang ngôi vô địch… Khoan đã, chẳng phải nhiệm vụ của Agassi là giúp Djokovic tìm lại hương vị chiến thắng ở đấu trường Grand Slam hay sao? Vậy thì, tại sao không phải là: “Cho đến khi tôi bước lên bục cao nhất, bục của chiến thắng?”. Nếu không thể, Djokovic bắt đầu mối quan hệ này để làm gì. Anh thông cảm và chấp nhận cho Agassi, nhưng anh làm sao có thể tự thông cảm cho bản thân mình. Anh nói, anh đã mất tự tin và nhịp điệu sau thất bại ở Paris. Vậy thì, anh cần một ông thầy “chuyên tâm thật sự” giúp anh tìm lại sự tự tin, tìm lại bản ngã, sau đó mới là tìm lại chiến thắng. Anh không cần một ông thầy “nửa mùa” chuyên về tâm linh như Pepe Imaz. Anh cũng không cần một ông thầy “quá bận rộn” với công việc và chuyện nhà như Agassi. Anh cần một HLV dành trọn thời gian cho anh, thật sự trải lòng và hỗ trợ anh tiến lên phía trước. Người đó, có lẽ không phải là Agassi nổi tiếng rồi!