Novak Djokovic: Đây là mùa giải tuyệt vời nhất

Con phượng hoàng lửa đến từ đất nước Serbia xa xôi đang bay tận 9 tầng trời với ngôi vô địch Shanghai Masters 2015. Với Novak Djokovic, dù anh vẫn chưa giành được danh hiệu thứ 10 trong mùa để biến cái năm 2015 này trở thành “một mùa giải thập toàn, thập mỹ”, đây vẫn là một mùa giải tuyệt vời nhất, thành công nhất trong sự nghiệp của anh, vượt qua cả “mùa giải hoàng kim” hồi năm 2011.

Con phượng hoàng lửa đến từ đất nước Serbia xa xôi đang bay tận 9 tầng trời với ngôi vô địch Shanghai Masters 2015. Với Novak Djokovic, dù anh vẫn chưa giành được danh hiệu thứ 10 trong mùa để biến cái năm 2015 này trở thành “một mùa giải thập toàn, thập mỹ”, đây vẫn là một mùa giải tuyệt vời nhất, thành công nhất trong sự nghiệp của anh, vượt qua cả “mùa giải hoàng kim” hồi năm 2011.

Novak Djokovic đang hôn chiếc cúp vô địch Shanghai Masters.

Ở mùa giải 2011, mùa giải mà Djokovic cũng tạo ra một vị thế thống trị so với “phần còn lại của thế giới” với 70 trận thắng, 6 trận thua, giành được 10 danh hiệu trong mùa – trong đó có 3/4 danh hiệu Grand Slam (dĩ nhiên là… vẫn không có ngôi vô địch Roland Garros), tay vợt người Serbia lần đầu tiên cho thấy, trong cái “kỷ nguyên của Roger Federer và Rafael Nadal” vẫn có một con người đơn độc dám dũng cảm đứng lên làm nên điều không tưởng trước 2 tượng đài quần vợt ở thời điểm hiện tại. Còn giờ đây, trong cái mùa giải 2015 đầy biến cố này, Djokovic đã chính thức đặt dấu chấm hết cho “kỷ nguyên Federer – Nadal”, để dựng nên một kỷ nguyên mới cho riêng bản thân mình. Với thành tích thắng 73/78 trận đấu, giành được 9 danh hiệu – trong đó cũng có 3/4 danh hiệu Grand Slam (và vẫn chưa có ngôi vô địch French Open) – và có thể sẽ thắng thêm danh hiệu thứ 10, thứ 11 khi Paris Masters và ATP World Tour Finals tại London đang đến gần, Djokovic đã xác nhận rằng, mùa giải này của anh còn tuyệt hơn mùa giải hồi 4 năm trước.

“Nhà vua ATP” đã lên tiếng cho biết sau khi giành được trận thắng thứ 10 liên tiếp mà không hề đánh mất một ván đấu nào (nghĩa là, anh đang có chuỗi thành tích… 20 ván thắng liên tiếp kể từ sau ngôi vô địch US Open): “Đây là một mùa giải tuyệt vời nhất, một mùa giải hay nhất trong sự nghiệp của tôi, không có gì phải thắc mắc về điều đó. Mọi thứ đều tiến triển một cách thật tuyệt vời. Tôi cảm thấy rất biết ơn vì đã có cơ hội được thi đấu hay như thế này, thành công như thế này. Rõ ràng, tôi không muốn rời xa khỏi thành công, bởi vì tôi vẫn muốn tiếp tục duy trì phong độ ở đẳng cấp như thế này trong nhiều năm nữa”.

Mùa giải toàn mỹ trong năm 2015 của Djokovic đang được so sánh với các mùa giải thành công nhất của các huyền thoại như Federer (hồi năm 2005), như John McEnroe (hồi năm 1984) hay như Jimmy Connors (hồi năm 1974). Cũng trong mùa giải này Djokovic trở thành tay vợt thứ 3 trong “lịch sử loài người” lọt đến cả 4 trận chung kết Grand Slam trong cùng 1 năm – và nếu anh không thua Stan Wawrinka ở chung kết Roland Garros, anh đã khiến cả Federer lẫn Rod Laver trở thành… quá khứ đầy bụi bám.

Không chỉ đạt được những thành tích cực kỳ ấn tượng về mặt chuyên môn đơn thuần, Djokovic đang sở hữu nhiều câu chuyện lạc quan khác. Xét về điểm số trên bảng điểm xếp hạng, anh đang có 16.785 điểm, nhiều hơn tay vợt đang xếp ở vị trí hạng 2 thế giới là Andy Murray đến… 8.035 điểm (Murray chỉ có 8.750 điểm dù đã được tính điểm thi đấu ở 20 giải đấu, nhiều hơn Djokovic 2 giải đấu). Đây là một chuyện hầu như chưa từng xảy ra kể từ khi ATP cho ra đời bảng điểm điện tử để phân định thứ hạng và điểm số của các tay vợt. Chưa hết, tay vợt người Serbia cũng đang sở hữu số tiền thưởng kỷ lục trong lịch sử với 16 triệu USD.

“Mỗi khi tôi bước trên sân đấu, biết được rằng tôi đã có một mùa giải kỷ lục quá đỗi tuyệt vời và trải qua nhiều giải đấu thành công trong vài năm trở lại đây, tôi luôn cảm thấy lạc quan đến nỗi sẵn sàng thể hiện phong độ cao nhất của mình, khiến tôi đối mặt với các đối thủ mà không hề có chút hoài nghi nào vào bản thân. Đó là tất cả những gì mà tôi có thể nói”, Djokovic cho biết. Và khi được hỏi làm cách nào mà các đối thủ có thể đánh bại Djokovic, chính Djokovic cũng phải nhoẻn cười rồi trả lời: “Đó là một câu hỏi hay, nhưng tôi không có câu trả lời”.

Mùa giải 2015 sắp trở thành một mùa giải “thập toàn, thập mỹ” với Djokovic. Nhưng anh vẫn chưa thể trở thành một tay vợt “thập toàn, thập mỹ” như kiểu của Federer, kiểu của Nadal. Để đạt được trình độ “tu vi” của 2 bậc đàn anh, Djokovic còn cần phải giành ngôi vô địch Roland Garros, giành tấm HCV Olympic và sớm bắt kịp – ít ra là kỷ lục sở hữu 14 Grand Slam của Nadal. Mùa giải 2015 chuẩn bị khép lại. Nhưng với Djokovic, mọi chuyện không dừng lại ở đó, mùa giải 2016 chuẩn bị mở ra với rất nhiều thách thức và người ta đang rất háo hức muốn biết anh sẽ thể hiện bộ mặt nào vào năm sau…

Trong mùa giải 1974, Jimmy Connors đã giành được 93 trận thắng, chỉ để thua 4 trận và giành được đến 15 danh hiệu (trong đó cũng có 3/4 danh hiệu Grand Slam và không có danh hiệu French Open).

Trong mùa giải 1984, John McEnroe giành được 82 trận thắng, chỉ để thua 3 trận và giành được 13 danh hiệu (trong đó có các danh hiệu Wimbledon và US Open).

Trong mùa giải 2005, Roger Federer đã giành được 81 trận thắng, chỉ để thua 4 trận và giành được 11 danh hiệu trong mùa (trong đó có các danh hiệu Wimbledon và US Open).

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục