Novak Djokovic: Ám ảnh bóng ma Roland Garros

Trận thua thứ 3 ở chung kết giải Roland Garros trong vòng 4 năm trở lại đây của Novak Djokovic khiến cho anh không thể bước vào nhóm “thất hùng” – bao gồm 7 tay vợt huyền thoại, những người đã hoàn tất chiến tích “Career Grand Slam” (thắng cả 4 giải Grand Slam khác nhau), thay vào đó, nó lại đang đẩy anh tiến về nhóm những tay vợt “xui xẻo” như là Pete Sampras, Stefan Edberg hay Boris Becker (“đại sư phụ” của Nole), những người luôn luôn bị ám ảnh bởi bóng ma Roland Garros.

Djokovic chắc chắn không muốn trở thành một tay vợt lớn nhưng không bao giờ giành được French Open như 3 bậc “tiền bối” trên, nhưng thời gian không còn nhiều. Mùa sau, anh sẽ bước sang tuổi 29, anh cần phải giành lấy ngôi vô địch Roland Garros trước ngưỡng cửa tuổi 30, vì khi một tay vợt bước sang tuổi 30, anh ta sẽ trải qua một giai đoạn thay đổi lớn về thể lực, sẽ là rất khó để tranh mục tiêu trong điều kiện như vậy!

Chưa bao giờ người ta trông thấy Djokovic tiến gần đến “Career Grand Slam” như cách mấy ngày trước. Roland Garros 2015 là giải đấu mà Novak Djokovic được đánh giá là ứng viên số 1, anh lại đang có một phong độ cực kỳ đáng sợ kể từ đầu mùa giải, trong khi “Vua sân đất nện” Rafael Nadal lại dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Và khi Novak “kết liễu” Nadal sau 3 ván đấu và vượt qua thách thức Andy Murray sau 5 ván đấu, ai cũng nghĩ ngôi vô địch Roland Garros và chiến tích “Career Grand Slam” đã trở thành món đồ trong túi của Nole.

Thực chất lại không phải như vậy. Những cú trái tay kinh hoàng của Stan Wawrinka – khiến người ta giật mình nhớ lại những cú trái tay kinh điển của Federer thời anh này còn ở đỉnh cao phong độ – lại chính là thứ đã “thò tay vào túi Djokovic và giật phăng chiếc cúp vô địch French Open ra”. Nhiều lần trong trận đấu, Nole đã nhìn đối thủ một cách bàng hoàng vì không tin Wawrinka chơi hay đến vậy. Còn trong buổi lễ nhận giải, anh đã mếu máo suýt khóc. Bóng ma Roland Garros sẽ lại tiếp tục ám ảnh Djokovic, cho đến ít nhất là… tháng 6 năm sau…

Thay vì nhận chiếc cúp vô địch, Novak Djokovic chỉ nhận được một cái mâm bạc.

Với trận thua ở chung kết Roland Garros 2015, Djokovic hiện đang có thành tích 8 thắng và 8 thua sau 16 trận chung kết Grand Slam, một tỷ lệ… hơi tồi nếu so sánh với Federer (thắng 17 và thua 7) hay Nadal (thắng 14 và thua 6). Tuy nhiên, nếu so với Sampras, Becker hay Edberg, Djokovic lại có thành tích ở Roland Garros khả quan hơn cả. Sampras dù từng thắng 14 danh hiệu Grand Slam nhưng chỉ có duy nhất một lần lọt đến bán kết French Open (hồi năm 1996, thua Yevgeni Kafelnikov). Edberg có 6 danh hiệu Grand Slam, nhưng thành tích tốt nhất ở Roland Garros cũng chỉ là một lần lọt đến chung kết (hồi năm 1989, thua tay vợt gốc Á Michael Chang).

Trong khi đó, “đại sư phụ” của Djokovic là Becker cũng có 6 danh hiệu Grand Slam nhưng thành tích tốt nhất là 3 lần lọt đến bán kết trong các năm 1987, 1989 và 1991). Tất cả họ đều không thể so với Novak, nhưng vấn đề là, những thành tích như 3 lần lọt đến bán kết hay 3 lần lọt đến chung kết sẽ chẳng bao giờ được nhớ đến ngoài các phóng viên và chuyên gia số liệu. Điều quan trọng là, anh có vô địch French Open hay không?

Sampras từng giành 7 danh hiệu Wimbledon, 5 lần đăng quang US Open và 2 lần lên ngôi ở Australian Open. Thế nhưng, sau lần thứ 13 thất bại ở Roland Garros – thua tay vợt người Italia hạng 69 thế giới Andrea Gaudenzi ngay ở vòng 1 khi đã 30 tuổi, Sampras đã ngán ngẩm nói rằng: “Tôi không muốn nói nó là một vận rủi”. Edberg, cũng giống như Sampars, đã thất bại trong cả 13 lần nỗ lực ở Roland Garros, lần cuối cùng là hồi năm 1996 khi cũng đã 30 tuổi. Ông đã thua tay vợt trẻ sau đó đã trở thành niềm tự hào của những người châu Á suốt một thời gian dài – Michael Chang – trong trận chung kết hồi năm 1989.

Edberg kể lại: “Ở thời điểm đó, tôi nghĩ mình đã chơi một giải đấu tuyệt vời và tôi nghĩ mình sẽ có một cơ hội để đăng quang ngôi vô địch. Nhưng sau đó, tôi không bao giờ có được cái gọi là cơ hội khác của mình. Edberg cũng thất bại và lần cuối cùng anh nỗ lực tìm kiếm giấc mơ ở Paris là khi anh 27 tuổi. Một cựu tay vợt rất nổi tiếng khác cũng bị ám ảnh bởi bóng ma Paris chính là John McEnroe. Người từng 4 lần lên ngôi ở New York và 3 lần đăng quang Wimbledon chỉ tiến sát danh hiệu ở Paris đúng một lần duy nhất – trận chung kết hồi năm 1984. Khi đó, ông để thua Ivan Lendl. Dù sao, McEnroe cũng còn có một Grand Slam khác mà ông vẫn chưa bao giờ chạm đến được, đó là Australian Open. Ông từng lọt đến chung kết giải Úc mở rộng hồi năm 1983.

Djokovic phải cần làm rất nhiều điều để không bị xếp vào hàng ngũ của “những kẻ thất bại vĩ đại”, “hạn chót” của anh sẽ là mùa giải 2016, dù rằng anh vẫn còn cơ hội ở các năm sau nữa, nhưng như những gì các bậc “tiền bối” đã trải qua, qua 30 tuổi, cơ hội để leo lên ngôi vô địch trên mặt sân đất nện tại Paris sẽ nhỏ đi rất, rất nhiều. Còn trước mắt, trong thời gian chờ đợi, Nole nên phản ứng nhanh một cách cấp kỳ bằng một hành động thiết thực ở mặt sân cỏ tại All England Club. Ở đó, anh sẽ có một cơ hội khác để chứng tỏ rằng đây là mùa giải của anh và rằng, “Nhà vua ATP” không thể sụp đổ chỉ sau một trận thua này.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục