Nỗi buồn doping

Thông tin về một số VĐV Việt Nam dính nghi án doping trong quá trình thi đấu tại SEA Games 31 cho thấy vấn đề này chưa được xử lý triệt để dù trong lịch sử thể thao Việt Nam đã có đến 19 trường hợp dính doping, bao gồm các VĐV nổi tiếng như lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn hay cô gái thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương.

SEA Games 31 được tổ chức ngay tại Việt Nam với những ưu thế vượt trội về mặt thành tích của nước chủ nhà. Khả năng hoàn thành mục tiêu nhất toàn đoàn vốn đã được dự báo, điều này phần nào cũng giảm bớt áp lực cho các VĐV so với các kỳ thi đấu ở nước ngoài phải cạnh tranh từng chiếc huy chương nhằm hoàn thành mục tiêu thứ hạng. Phải chăng, các VĐV dính doping không hẳn vì áp lực thành tích mà chỉ vì thói quen trong chế độ dinh dưỡng hoặc sự chủ quan, thiếu kiến thức phòng tránh?

Những ai am hiểu về thể thao Việt Nam đều biết chúng ta luôn thiếu sự quan tâm trong 2 khâu quan trọng: dinh dưỡng và tâm lý. Hoạt động tập luyện và thi đấu hiện chủ yếu xoay quanh yếu tố chuyên môn. Xuất phát điểm của VĐV Việt Nam không cao, đa số đều ở trong chế độ tập luyện ngày qua ngày từ bé, thời gian dành cho học tập và trau dồi văn hóa không nhiều. Phần thu nhập chính của VĐV thường chỉ đến nếu được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia, trong khi hệ thống thi đấu trong năm khá hạn chế, tiền thưởng ít và đời sống thể thao vẫn ở mức bán chuyên nên các chế độ dinh dưỡng, hồi phục không đúng tiêu chuẩn hoặc dùng theo thói quen cơ thể. VĐV chịu áp lực liên tục, lại thiếu những kiến thức khác, nên đôi khi dù không cố tình thì họ vẫn vi phạm các quy định về phòng, chống doping.

Trong câu chuyện này, trách nhiệm còn thuộc về những nhà quản lý. Ngoại trừ trường hợp cố tình dùng chất cấm để thay đổi kết quả trong thi đấu, những thay đổi khác của VĐV đều có thể phát hiện, xử lý trong quá trình luyện tập hay thi đấu. Điều này tùy thuộc vào sự tận tụy của những người thầy và kiến thức pháp luật, văn hóa mà các VĐV được chuẩn bị trong sự nghiệp của mình.

Tin cùng chuyên mục