BÓNG CHUYỀN PHÍA NAM MẤT DẦN VỊ THẾ

Nỗi buồn... bóng chuyền TPHCM

LTS: Ít kinh phí hoạt động và thiếu vận động viên tài năng là hai nguyên nhân lớn khiến nhiều đội bóng chuyền ở phía Nam sa sút và mất dần tầm ảnh hưởng trên “bản đồ” bóng chuyền Việt Nam. Điều này khiến giới làm nghề trăn trở nhưng chưa tìm được giải pháp để cải thiện tình hình.

Đội bóng chuyền nam TPHCM từng tạo ra cột mốc vô địch 2 lần liên tiếp (các mùa giải 2018 và 2019) kể từ khi giải đội mạnh toàn quốc được đổi tên thành giải vô địch quốc gia năm 2004 - một hình thức chuyển đổi chuyên nghiệp như V-League của bóng đá. Vậy mà giờ họ xuống hạng. Không chỉ đội nam mà cả đội nữ cũng trở lại giải hạng nhất ngay khi vừa mới được thăng hạng sau 5 năm phấn đấu. Bi kịch của mùa giải 2010 đã xảy ra một lần nữa.

Bóng chuyền nam TPHCM từng vô địch 2 mùa liên tiếp khi còn mang tên Maseco TPHCM
Bóng chuyền nam TPHCM từng vô địch 2 mùa liên tiếp khi còn mang tên Maseco TPHCM

Vào năm 2010, bóng chuyền TPHCM từng một lần trở thành “vùng trắng” ở sân chơi đỉnh cao quốc gia khi cả đội nam lẫn đội nữ cùng rớt hạng. Phải đợi 4 năm sau đội nam mới quay lại hạng đấu cao nhất với phiên hiệu mới là Maseco TPHCM. Khi đó, người yêu bóng chuyền vui mừng vì cơ chế vận hành có những thay đổi đáng kể. Không chỉ giao đội bóng cho doanh nghiệp mà còn có “đại bản doanh” riêng tại nhà thi đấu Rạch Miễu sau thời gian phải “ăn nhờ, ở đậu” tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng và Nhà thi đấu Phú Thọ.

Đến năm 2015, Maseco TPHCM vô địch quốc gia, kết thúc 17 năm trắng tay. Cộng thêm 2 chức vô địch khác với phiên hiệu TPHCM sau khi Maseco không còn là nhà tài trợ chính ở các năm 2018 và 2019, ai cũng nghĩ bóng chuyền TPHCM đã trở lại thời hoàng kim của những năm 90 thế kỷ trước, thời điểm mà họ gần như thống trị làng bóng chuyền nam quốc gia.

Nhiều tên tuổi dần biến mất

Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2023 có 20 đội tham dự. Trong số 10 đội bóng nam tham gia có 3 đội thuộc khu vực phía Nam là TPHCM, Lavie Long An và VLXD Bình Dương, nhưng sau đó 2 đội TPHCM và VLXD Bình Dương phải xuống chơi ở giải hạng A. Còn tại giải nữ, 8/10 đội bóng từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc, cả miền Trung và miền Nam chỉ còn 2 cái tên là VTV Bình Điền Long An cùng TPHCM nhưng rồi đội bóng chuyền nữ TPHCM cũng vừa… ngậm ngùi xuống giải hạng A sau mùa 2023.

Trong khi đó, giai đoạn trước năm 2000, chỉ tính riêng TPHCM đã có đến 4/10 đội bóng dự giải đội mạnh toàn quốc. Còn nếu tính luôn cả Long An lẫn Quân đoàn 4 đóng quân trên địa bàn Bình Dương thì có đến 6 đội. Giai đoạn sau 2010, bóng chuyền phía Nam được đánh giá là có phong trào mạnh hàng đầu quốc gia khi có rất nhiều CLB hoạt động (Maseco TPHCM, Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương, Cao su Bình Phước, Công an TPHCM, VLXD Bình Dương, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Quân đoàn 4, Quân khu 7, Trà Vinh, Hậu Giang…) góp mặt ở sân chơi đội mạnh toàn quốc, thế nhưng giờ đây chỉ còn lại 2 CLB là VTV Bình Điền Long An (nữ) và Lavie Long An (nam) trụ lại.

Nói như vậy để thấy bóng chuyền TPHCM luôn có tiềm lực để thay đổi mình. Thứ nhất chính là truyền thống. Từ thời đội SEAprodex vô địch quốc gia 6 lần liên tiếp, ở TPHCM đã có đến 3 CLB chơi tại giải đội mạnh quốc gia, toàn tên tuổi lừng lẫy như Bưu điện TPHCM, Công an TPHCM, Công nhân Hóa chất… Trường Năng khiếu TDTT “ra lò” lứa cầu thủ nào cũng nhanh chóng có chỗ để chơi bóng đỉnh cao, sự hưng thịnh của bóng chuyền cũng tương tự như bóng đá với những nhà thi đấu đầy ắp khán giả và các giải quốc tế được tổ chức đều đặn hàng năm. Giải vô địch TPHCM khi đó còn được ví như giải quốc gia thu nhỏ.

Ở mức độ phong trào, các trường đại học ở TPHCM cũng tạo nên bầu không khí sôi nổi cho các tay đập sinh viên. Còn festival bóng chuyền dành cho học sinh THCS, THPT diễn ra ở Cung Văn hóa Lao động thành phố đông đến vài trăm đội góp mặt, môn bóng chuyền bãi biển thậm chí được đưa vào tổ chức ở nội thành, ngay tại sân đấu Nhà văn hóa Thanh niên…

Thứ hai, trước cả bóng đá, chính bóng chuyền là môn thể thao có yếu tố chuyên nghiệp sớm và rõ nét nhất với mô hình của SEAprodex và sau này là Bưu điện TPHCM. Sự thành công của SEAprodex trở thành hình mẫu cho bóng chuyền cả nước. Liên đoàn Bóng chuyền TPHCM thời điểm đó có vai trò thậm chí còn lớn hơn cả liên đoàn quốc gia vì sở hữu nhiều CLB mạnh, đồng thời có tư duy cấp tiến trong khía cạnh kinh doanh, vận động tài trợ. Thực tế thì hiện nay, các đội bóng chuyền phía Bắc cũng thành công khi kết hợp với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, điều mà TPHCM từng làm với Thép Việt, Maseco... Thế nên, khi giao về cho Maseco, sự chuyển biến trở nên nhanh chóng và bóng chuyền TPHCM lập tức trở lại đỉnh cao.

Năm 2024, giải bóng chuyền vô địch quốc gia chỉ còn 9 đội nam và 9 đội nữ góp mặt. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược chuyên nghiệp hóa giải vô địch quốc gia của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Số lượng đội tham dự thậm chí từ mùa giải 2025 chỉ còn lại 8 đội nam và 8 đội nữ để dần tiến đến thể thức thi đấu League, tức sự cạnh tranh suất thăng hạng dành cho các đội bóng chơi ở giải hạng A sẽ khốc liệt hơn.

Nhưng, để thành công, bóng chuyền TPHCM cần hội đủ 2 yếu tố là tài chính và con người. Chi phí hoạt động của một CLB bóng chuyền không quá lớn nhưng ở đặc thù của đô thị thì lại là bài toán không đơn giản. Kế đến, bóng chuyền có tính đặc thù về con người, nhất là ở yếu tố đầu vào. Không chỉ chiều cao của VĐV, những số liệu về bật nhảy, sải tay, hệ xương… cần được phát hiện từ khi VĐV còn nhỏ. Điều đó buộc hệ thống tìm kiếm tài năng phải hoạt động tốt. Trên thực tế, với bóng chuyền phía Nam, hệ thống phát hiện tài năng từ cơ sở không có, làm đứt gãy toàn bộ quy trình tuyển chọn của “đầu tàu” TPHCM.

Vai trò của những tổ chức xã hội như liên đoàn sẽ rất quan trọng. Khi bóng chuyền TPHCM đạt đỉnh cao thường gắn với hoạt động hiệu quả của Liên đoàn cùng thời kỳ. Thế nhưng, trong hơn 10 liên đoàn thể thao ở TPHCM thì chính bóng chuyền lại là tổ chức có nhiều biến động nhất ở các vị trí quản lý, điều hành. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay đã có 3 lần phải thay đổi ghế chủ tịch giữa nhiệm kỳ. Ở nhiệm kỳ mới nhất, Liên đoàn gần như “bất động” khiến bóng chuyền TPHCM không có cả tài chính lẫn lực lượng để vận hành.

Đìu hiu các giải đấu

Những người làm chuyên môn bóng chuyền TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung chắc khó quên được hình ảnh người hâm mộ phải xếp hàng dài, kéo từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Tần, Pasteur đến trước quầy bán vé để sở hữu những tấm vé vào Nhà thi đấu Phan Đình Phùng dự khán các trận đấu của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thi đấu ở VTV Cup 2007, nơi chứng kiến màn lên ngôi ngoạn mục của các cô gái Việt Nam sau trận chung kết với CLB St.John (Mỹ).

Giải bóng chuyền nam quốc tế - Sting Cup cũng ở giai đoạn này đã trở thành “món ăn tinh thần” đối với người hâm mộ bóng chuyền TPHCM, cũng đồng thời là giải đấu có những tên tuổi lớn của bóng chuyền nam Việt Nam và Đông Nam Á lúc bấy giờ như Thép Việt TPHCM, Hoàng Long Long An, Thái Lan, Myanmar, Philippines, Sri Lanka… Chưa kể những giải bóng chuyền bãi biển thường niên của Tanimex, trà Lipton diễn ra khá thường xuyên và phổ biến, trở thành “điểm đến” của các đội bóng chuyền trên cả nước.

Càng về sau này, đi cùng với sự biến mất dần của nhiều thương hiệu mạnh, các giải đấu bóng chuyền cả trong nước lẫn quốc tế tại TPHCM cũng… lạc trôi. Thi thoảng giới hâm mộ bóng chuyền mới được xem các trận đấu ở giải vô địch quốc gia mà TPHCM đăng cai, nhưng lượng khán giả đến sân dự khán không nhiều ngay cả khi các nhà thi đấu đều mở cửa tự do.

PHÚC NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục