Theo báo cáo của Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, thực tế thể thao Việt Nam mới đạt 9 suất chính thức (trường hợp của tay vợt Lê Đức Phát đang chờ quyết định chính thức từ Liên đoàn Cầu lông thế giới vào tháng 7).
Thể thao Việt Nam còn môn bắn cung, quyền Anh, điền kinh, judo thi đấu vòng loại Olympic để giành thêm suất chính thức đến Pháp. Ở môn judo, triển vọng giành được một suất chính thức của đội tuyển nằm ở tuyển thủ Hoàng Thị Tình (48kg nữ). Sau các giải quốc tế tích lũy điểm, cô ở nhóm thứ hạng an toàn và nếu giữ được hạng hiện tại, Tình sẽ đủ cơ hội nhận suất dự Olympic ở Pháp.
Trong khi đó, đội điền kinh Việt Nam đã thi đấu giải vô địch tiếp sức châu Á 2024 ở Thái Lan và tổ tiếp sức 4x400m nữ giành HCV, phá kỷ lục quốc gia với kết quả 3 phút 30 giây 81. Tuy nhiên, thông số trên chưa đủ giúp Việt Nam lọt vào nhóm 16 đội có kết quả tốt nhất trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Điền kinh thế giới nhằm tranh suất dự Olympic Paris 2024. Điền kinh còn dự 2 giải quốc tế cuối cùng trong tháng 6 để cải thiện thêm thông số chuyên môn.
Theo HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam Park Chung-gun, sau khi giành vé Olympic, Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền đã tham dự thi đấu một số giải quốc tế và cho thấy phong độ ổn định. Xạ thủ Thu Vinh đang duy trì được điểm số đủ khả năng vào đến loạt bắn chung kết (có 8 VĐV giành quyền vào loạt bắn chung kết ở mỗi nội dung) ở cả hai nội dung 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao, trong khi Mộng Tuyền đang có thành tích tiệm cận vào chung kết nội dung súng trường. Nếu duy trì và nâng cao được thành tích, cả hai xạ thủ đều có cơ hội lọt vào chung kết.
Còn ở môn cử tạ, đô cử Trịnh Văn Vinh (hạng cân 61kg) đang được tích cực trị liệu để hồi phục chấn thương sau giai đoạn thi đấu căng thẳng tại vòng loại Olympic. Ban huấn luyện đội tuyển cử tạ Việt Nam sẽ có sự điều chỉnh giáo án phù hợp để Vinh có thể vừa hồi phục, vừa tập luyện một cách tốt nhất. Theo kế hoạch, đô cử Trịnh Văn Vinh cũng sẽ được bố trí tập huấn ở nước ngoài vào đầu tháng 6 đến giữa tháng 7.