Những tay vợt lớn tuổi nhất

ATP World Tour

Những “ông già gân” đó vẫn đang còn thi đấu để chứng tỏ một thực tế rất có giá trị trong làng quần vợt chuyên nghiệp thế giới hiện nay – “gừng càng già thì… càng cay”. Bên cạnh làn sóng những tay vợt trẻ trung, những tương lai không xa thì gần của ATP World Tour, đương nhiên vẫn phải có những đối trọng kiểu như vậy, để cho chúng ta thấy thế giới quần vợt là đầy rẫy sắc màu, để người ta thấy thế giới quần vợt vốn là một lăng kính đa diện tuyệt vời.

Abdelhak Hameurlaine (Algeria, 43 tuổi 7 tháng 1 ngày)

Algeria còn lâu mới là một cường quốc trong làng quần vợt thế giới. Nhưng đất nước này lại đang sở hữu tay vợt lớn tuổi nhất vẫn còn đang thi đấu, đó là Abdelhak Hameurlaine (hiện xếp hạng 1.533 thế giới). Đến thời điểm này, Abdelhak đã… 43 tuổi 7 tháng 1 ngày, nhưng tuổi tác vẫn không thể ngăn anh bước ra sân đấu và sống cùng khao khát.

Trong sự nghiệp của mình, Abdelhak chưa bao giờ đạt được một thành tựu to lớn nào cả – anh từng lọt vào… “tốp 1.000” thế giới hồi 12 năm về trước – tuy nhiên, điều đó vẫn không ảnh hưởng đến kiểu suy nghĩ tiêu cực trong anh, anh vẫn thoải mái bước ra sân đấu để chơi bóng như thể đây là trận đấu đầu tiên trong sự nghiệp của mình.

Abdelhak Hameurlaine (phải).

Mọi chuyện bắt đầu vào cách đây 25 năm, hồi năm 1990, Abdelhak bước ra sân đấu lần đầu tiên để đại diện cho màu áo tuyển Algeria trong trận đấu với tuyển Ai Cập. Khi đó, anh mới 18 tuổi, và khi đó, người ta cũng không thể tưởng tượng nổi, rồi anh sẽ tiếp tục thi đấu cho đội tuyển nước nhà trong suốt 21 năm sau.

Hồi tháng 5 năm nay, Abdelhak đã giành được… 2 điểm. Anh giành được 2 trận thắng liên tiếp để lọt đến tứ kết ở một giải đấu F2 Future tại quê nhà (đó là 2 chiến thắng dễ dàng khi mà Abdelhak chỉ đánh mất vỏn vẹn 4 game đấu) trước khi để thua một tài năng trẻ người Pháp Corentine Denolly. Tuy vậy, kể từ đó cho đến nay, Abdelhak không chơi thêm một trận nào.

Joaquin Munoz-Hernandez (Tây Ban Nha, 40 tuổi 9 tháng 16 ngày)

Joaquin Munoz-Hernandez tham gia giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên từ hồi năm… 1992 – đó là giải Masters Satellites 6 diễn ra tại quê nhà – khi đó, anh mới 17 tuổi. Trong 2 mùa giải 1997 và 1998, Joaquin đã chơi khá tốt ở hệ giải Challenger, nhờ đó, Joaquin đã leo lên thứ hạng cao nhất trong sự nghiệp – vị trí hạng 157 thế giới hồi tháng 4-1998.

Hiện tại, tay vợt hơn 40 tuổi đồng hương của Rafael Nadal đang xếp hạng 1.311 thế giới sau khi giành được 4 điểm hồi tháng 6 năm nay ở giải F14 Futures cũng diễn ra tại quê nhà, nơi anh lọt đến vòng đấu tứ kết. Hồi tuần trước, anh cũng đã giành được 1 trận thắng. Điểm số đó sẽ được cộng vào bảng điểm cập nhật tuần sau, thể hiện anh sẽ có 5 điểm trên bảng xếp hạng.

Lee Huyng Taik (Hàn Quốc, 39 tuổi 9 tháng 17 ngày)

Lee Huyng Taik từng là một tay vợt đáng gờm không chỉ trong làng quần vợt châu Á nói riêng mà còn ở làng quần vợt thế giới nói chung. Hồi năm 31 tuổi, Lee đã đạt đỉnh cao phong độ khi chơi cực kỳ thành công ở Tour đấu mùa hé Bắc Mỹ, lọt đến bán kết giải Los Angeles, tứ kết Indianapolis và Washington. Những ngày tháng thành công hồi đó đã chứng kiến Lee leo lên vị trí hạng 36 trên bảng điểm của ATP vào năm 2007.

Trong sự nghiệp của mình, Lee cũng từng giành được 22 trận thắng ở đấu trường Grand Slam và 15 trận thắng ở đấu trường Challenger (trong tổng số 161 trận thắng). Ở vào thời điểm này, Lee vẫn là một tay vợt đánh đôi lợi hại, nhưng hiếm khi đánh đơn do tuổi tác không cho phép. Anh đang sở hữu 5 điểm sau khi giành quyền lọt vào An Ning Challenger.

Carlos Oliveira (Brazil, 39 tuổi 1 tháng 25 ngày)

Carlos Oliveira vừa có một quyết định mạo hiểm mà nhiều người đánh giá là “khùng điên” – quay trở lại làng quần vợt chuyên nghiệp sau 3 năm vắng bóng. Hóa ra, mọi chuyện cũng không tồi, Carlos mới thắng… 1 điểm ở giải F5 Future vừa diễn ra tại quê nhà. Với Carlos, 1 điểm vẫn còn hơn là “không có gì cả” và vị trí hạng 1.759 thế giới xem ra cũng không tồi.

Trong sự nghiệp của mình, Carlos cũng chưa từng giành được các chiến tích quan trọng. Thứ hạng cao nhất của Carlos là xếp đầu đó ngoài tốp 500 thế giới hồi năm 2009. Theo ghi nhận của ATP, Carlos từng tham gia Sao Paulo Challenger khi mới 12 tuổi và sau đó, anh hoàn toàn không có hoạt động đáng kể nào trong suốt 25 năm (!?). Nghĩa là, quãng thời gian hoạt động chuyên nghiệp của Carlos đang được chia làm 3 giai đoạn: 12 tuổi, 37 tuổi và… 39 tuổi.

Takao Suzuki (Nhật Bản, 39 tuổi 1 tháng)

Trong số các tay vợt lớn tuổi nhất vẫn còn thi đấu, Takao Suzuki là tay vợt năng động nhất. Nhà cựu vô địch Heineken Challenger ở Việt Nam đang sở hữu 27 điểm với vị trí hạng 775 trên bảng điểm của ATP. Rõ ràng,  Takao vẫn thường xuyên thi đấu hơn hẳn những tay vợt còn lại, dù anh không phải một tài năng của Nhật Bản như kiểu Kei Nishikori.

Takao là một “huyền thoại ở hệ giải Challenger”, anh từng giành 16 ngôi vô địch ở các giải đấu thuộc hệ giải này. Tất nhiên, Takao cũng từng thắng 50 trận đấu ATP World Tour, trong đó có 7 trận đấu ở đấu trường Grand Slam đình đám. Trận đấu đáng chú ý nhất của Takao là thua Roger Federer sau 3 ván đấu ở Australian Open 2005.

Takao tham gia trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên tại Nagoya Challenger hồi năm 1992, khi đó, anh mới 15 tuổi. Hồi năm 1998, anh từng tiến sát tốp 100 thế giới nhưng chỉ xếp hạng 102. Có một thực tế rất tuyệt vời về Takao – anh chưa từng rơi khỏi bảng xếp hạng thế giới trong suốt 21 năm rưỡi qua.

Anh đã đăng quang giải Guam Futures hồi tháng 5 năm nay và với 27 điểm đạt được chủ yếu từ sự kiện đó, Takao đang là tay vợt lớn tuổi nhất nằm trong tốp 1.200 thế giới. Anh đã từng lên ngôi vô địch ở Heineken Challenger diễn ra tại SVĐ Lan Anh (TPHCM) hồi năm 2001 nhưng bị loại ngay ở vòng đầu tiên đúng 1 năm sau.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục