Những con người quả cảm

Sáu tháng trước trên “sân khấu chính” ở Singapore, ngày hội SEA Games 28-2015 đã diễn ra với các cuộc tranh tài hào hứng sôi nổi. Sáu tháng sau, cũng trên “sân khấu chính” ấy, ngày hội của những HLV, VĐV thể thao người khuyết tật tại ASEAN Para Games 8-2015 sôi nổi không kém. Khép lại gần một tuần tranh tài, tất cả đều tự hào khi đã được thể hiện mình trước các đối thủ.

Asean Para Games 8-2015

Sáu tháng trước trên “sân khấu chính” ở Singapore, ngày hội SEA Games 28-2015 đã diễn ra với các cuộc tranh tài hào hứng sôi nổi. Sáu tháng sau, cũng trên “sân khấu chính” ấy, ngày hội của những HLV, VĐV thể thao người khuyết tật tại ASEAN Para Games 8-2015 sôi nổi không kém. Khép lại gần một tuần tranh tài, tất cả đều tự hào khi đã được thể hiện mình trước các đối thủ.

Những con người quả cảm ảnh 1

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam dự Asean Para Games 8-2015 Ảnh: T.L

1 .Trước ngày lên đường, lãnh đạo đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam dự ASEAN Para Games 8-2015 khẳng định rõ ràng đó là mục tiêu huy chương không đặt nặng mà chỉ hướng VĐV tập trung thi đấu vượt các kỷ lục. Điều ấy được cụ thể hóa bằng những thành tích phá kỷ lục đại hội như của VĐV điền kinh Lại Thị Ngọc Anh (hạng thương tật F44) trong nội dung nhảy xa (đạt 3m81). Lê Văn Công (hạng trên 49kg) phá kỷ lục môn cử tạ của đại hội khi đạt mức tạ 178kg. Cùng với Công, người đồng đội Bình An (trên 54kg) cũng làm được điều tương tự với thành tích tạ nâng được là 175kg hay Nguyễn Thanh Xuân (65kg nam) và Đặng Thị Linh Phương (50kg nữ) đều có sự hân hoan phá kỷ lục như thế. Hẳn nhiên, thành tích đáng khích lệ nhất thuộc về kình ngư Nguyễn Thành Trung (hạng thương tật SB4) khi đoạt HCV cự ly 100m tự do đồng thời xác lập kỷ lục mới của châu Á bằng kết quả 1’48”93. Còn rất nhiều người khác trong thành viên đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã đoạt HCV và phá kỷ lục đại hội.

Cảm nhận sau chiến thắng, trong giây phút xúc động, tuyển thủ Lại Thị Ngọc Anh chỉ kịp giãi bày cùng giới truyền thông rằng mình không nghĩ sẽ có thành công này nhưng tự nhủ là phải tập trung và cố gắng hết sức. Chiếc chân giả đã song hành cùng Ngọc Anh trong cuộc sống nhưng nó lại là điểm tựa để cô vươn lên mạnh mẽ chiến thắng trong tập luyện, thi đấu.

Không vượt được kỷ lục nào của ASEAN Para Games 8-2015 nhưng Nguyễn Hoàng Minh (hạng thương tật T12) của đội điền kinh làm nên thành tích đáng nể qua việc đạt HCV cả 3 cự ly 400m, 800m và 1.500m. Chàng tuyển thủ mới 22 tuổi này là niềm tự hào nói riêng của các thành viên thể thao người khuyết tật TPHCM. Thị lực giảm sút đã khiến đôi mắt không thấy được tốt nhất nhưng, sau ngày đầu mặc cảm, giờ sự tự tin là động lực mạnh mẽ để chàng trai người Bình Tân (TPHCM) này chiến thắng trong thi đấu. Cách đây 2 năm, Hoàng Minh đã tham gia trong đội hình dự ASEAN Para Games 7-2013 ở Myanmar.

2. Người hâm mộ đã quá quen với những gương mặt của thể thao người khuyết tật mỗi khi được nhắc tới như Võ Thanh Tùng, Châu Hoàng Tuyết Loan, Lê Văn Công, Trịnh Thị Bích Như, Nguyễn Bình An… Kỳ ASEAN Para Games 8-2015, chúng ta có thêm nhiều gương mặt “mới” để người hâm mộ biết nhiều hơn. VĐV cử tạ Nguyễn Thanh Xuân là người trong số ấy. Nghỉ tập vì cuộc sống mưu sinh, lo toan cho gia đình, chàng trai người Khánh Hòa mới tập thể thao dần trở lại khoảng 6 năm năm. Ít ai ngờ rằng, dân cử tạ với đôi tay cơ bắp là vậy nhưng Thanh Xuân lại đang kiếm sống bằng nghề…thợ may. Ngoài thời gian công việc, Thanh Xuân mới tìm tới phòng tập để tập luyện trước những kỳ thi đấu.

Trên đất Singapore, hạng đấu có tới 4 đối thủ khác từ Thái Lan, Singapore, Malaysia, Myanmar cạnh tranh rất quyết liệt nhưng Thanh Xuân vẫn tự tin nâng tạ để rồi qua 3 lượt nâng, mức 171kg của lực sĩ này vừa mang về HCV vừa là kỷ lục mới của đại hội. Nói như vậy không phải để thấy rằng những VĐV tên tuổi của thể thao người khuyết tật Việt Nam không thành công. Kỳ này, Võ Thanh Tùng (bơi), Tuyết Loan (cử tạ), Văn Công (cử tạ), Bình An (cử tạ), Võ Huỳnh Anh Khoa (bơi), Bích Như (cử tạ)… đều giành HCV ở ASEAN Para Games 8-2015.

 Khép lại Asean Para Games 8-2015, Việt Nam đứng hạng 4 với thành tích 58 HCV, 58 HCB, 50 HCĐ. Đứng đầu là đoàn Thái Lan (94 HCV, 76 HCB, 79 HCĐ) và tiếp đến là Indonesia, Malaysia. Đoàn chủ nhà Singapore đứng hạng 5 với kết quả 24 HCV, 17 HCB, 21 HCĐ. Toàn đại hội, các quốc gia tham dự đều giành huy chương. Riêng đoàn thể thao người khuyết tật Lào không đạt được HCV nào mà chỉ có 2 HCB, 5 HCĐ nên đứng hạng 10 cuối cùng.

Tại Asean Para Games 8, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam có một kỷ lục riêng cho mình đấy là có VĐV nhiều tuổi nhất giành HCV và phá kỷ lục đại hội. Đó là trường hợp của tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Thanh Thủy (hạng thương tật T43/44) của môn điền kinh. Ở Singapore năm nay, tuyển thủ này giành 2 HCV cự ly 100m và 200m khi ở tuổi 52. Chị Thủy bắt đầu thi đấu thể thao từ năm 2003 và tới giờ đã có 17 huy chương các loại trong các giải quốc tế.


NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục