Về lý thuyết, rất khó trả lời câu hỏi đó chỉ thông qua một trận đấu vốn diễn ra trên sân Campuchia trong bối cảnh mà đại đa số các cầu thủ Việt Nam đều không hề thi đấu suốt hơn 2 tháng qua vì V-League tạm ngưng phục vụ cho SEA Games. Nhưng có một điều chắc chắn: bóng đá Việt Nam không hề tiến lên. Mà đứng yên thì chẳng khác nào lùi lại cả.
Đó là bản chất, nhưng ít ai chịu nhìn nhận. Ví dụ như người ta chỉ thấy U22 Việt Nam có một thế hệ cầu thủ tốt, lẽ ra phải vào bán kết, chung kết cũng như đoạt HCV. Nhưng thật ra cái tốt ấy chẳng qua là so giữa đội đá SEA Games lần này với SEA Games lần trước, trong khi những đội bóng tại Đông Nam Á khác đâu chịu đứng yên, họ cũng tiến bộ và vì thế mà U22 Việt Nam mới thất bại. Cụ thể, đội U22 Việt Nam “rất tốt” ấy đã thua nặng nề Thái Lan vốn không mạnh như các kỳ SEA Games trước.
Để biết tại sao bóng đá Việt Nam đứng yên, cứ nhìn bóng đá trẻ và trưởng thành. Ở các tuyến U 19 trở xuống, chúng ta luôn có thành công từ Đông Nam Á ra đến thế giới, nhưng đến U23 rồi đội tuyển quốc gia thì trình độ lại thụt lùi. Bản chất nằm ở chất lượng của V-League, nơi các cầu thủ sẽ phát triển sự nghiệp của mình. Cho dù họ được đào tạo tốt đến thế nào, nhưng vào một môi trường không khuyến khích nhiều cho năng lực, thì sự tiến bộ cũng bị giới hạn. Lâu nay, cứ mỗi lần thất bại ở SEA Games hay AFF Cup thì người ta lại cứ vội vội, vàng vàng đòi “trẻ hóa” đội tuyển, cải tổ hoạt động đào tạo trẻ nhưng lại quên mất, không lo “đầu ra” thì dù “đầu vào” tốt đến đâu cũng khó mà có những cầu thủ giỏi.
Bóng đá Việt Nam nên học theo cách “nhìn đúng bản chất” của những môn khác. Không ai đánh giá SEA Games vừa rồi là thất bại của thể thao Việt Nam mặc dù suýt nữa Việt Nam rơi ra khỏi tốp 3 toàn đoàn, lần đầu tiên kể từ năm 2001. Đơn giản vì bơi lội và điền kinh chiếm đến 49% tổng số HCV, một tỷ lệ đẹp nhất từ trước đến nay. Đó là mục tiêu của chúng ta khi tham dự SEA Games, cũng như đã chứng minh cho định hướng đầu tư suốt gần thập niên qua của thể thao Việt Nam. Nói cách khác, thay vì quan tâm đến số lượng, chúng ta tập trung vào chất lượng của những môn thể thao cơ bản, thứ sẽ giúp thể thao Việt Nam khẳng định nội lực trên trường quốc tế.
Bóng đá cũng vậy thôi. 3 trận thắng giò giã trước các đối thủ yếu cũng chẳng thể đổi lấy 1 trận thua đậm đà trước Thái Lan và bị loại. Chiến thắng 2-1 trước Campuchia không thể thay đổi được sự thật là đối thủ chẳng còn ngáng ngại chúng ta như trước nữa. Việc có một nhóm cầu thủ được đào tạo tốt, có kỹ thuật cá nhân giỏi, cũng chẳng thay đổi được tương lai của bóng đá Việt Nam khi V-League, giải đấu số 1 quốc gia, luôn ở trong tình trạng “thích thì ngưng vài tháng”, “hết vui thì bỏ giải”…