Mỗi kỳ Đại hội của VFV luôn được quan tâm vì ai cũng muốn biết nhân sự chủ chốt sẽ lèo lái con thuyền như thế nào. Nhìn vào thực tế hoạt động của VFV, 4 vị trí Chủ tịch, Phó chủ tịch phụ trách tài chính, Phó chủ tịch chuyên môn và Tổng thư ký là đặc biệt quan trọng.
Sau nhiệm kỳ 5, lúc này đã quá thời điểm Đại hội nhiệm kỳ mới tới 2 năm mà bóng chuyền vẫn chưa thể tổ chức sự kiện này vì nhiều lý do. Lý giải chung nhất vẫn là nhân sự cho vị trí chủ chốt quá khó tìm. Đặt từng cá nhân muốn tham gia vị trí lãnh đạo lên bàn cân thì người có điểm này trội, người có điểm kia yếu. Thế nhưng, chọn được đúng người phù hợp là không dễ.
Chủ tịch của VFV là người điều phối chung. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, bóng chuyền hay nhiều Liên đoàn khác phải dựa nhiều ở năng lực của Tổng thư ký. Chủ tịch không thể lúc nào cũng kè kè chăm cho thể thao được, bản thân họ còn phải làm việc chính của mình. Thế cho nên khi đón nhận thông tin ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT- nhiều khả năng sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch VFV nhiệm kỳ mới (2015-2020), người ta buộc phải hoài nghi. Có không ít nỗi lo bởi công việc của Tổng cục TDTT quá bộn bề và ông Phấn đang đảm nhiệm vai trò quán xuyến trực tiếp các môn thể thao thành tích cao nên chưa hẳn bóng chuyền sẽ được coi trọng.
Vậy nên, người làm chuyên môn rất trông đợi vị trí Tổng thư ký phải trợ giúp tốt cho Chủ tịch VFV. Lựa chọn nhân sự là ai do ban chấp hành Liên đoàn khóa mới bầu ra. Để hình thành nên một ban chấp hành thì bóng chuyền dành thời gian tổ chức Đại hội qua đó bầu chọn các ứng viên. Vị trí Tổng thư ký từng được đặt ra yêu cầu khi tìm nhân sự là người trẻ, năng lực chuyên môn tốt, giỏi ngoại ngữ, có uy tín… Nếu là nhà tuyển chọn thông thái, chắc chắn, lãnh đạo bóng chuyền cũng sẽ là nhà “tiêu dùng” thông thái. “Tiêu dùng” ở đây hẳn là dùng đúng người đúng việc và đạt hiệu quả cao nhất cho sự phát triển chung của bóng chuyền Việt Nam.
MINH CHIẾN