Năm nay là năm thứ 2, giải bóng chuyền vô địch quốc gia tại Việt Nam tiếp tục được nhà tài trợ Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đồng hành đồng thời giải đấu gắn tên cùng đơn vị này. Năm 2022, sau các thương thảo, đơn vị này đã cam kết ký tài trợ có thời gian ít nhất 3 năm với giải bóng chuyền vô địch quốc gia và trị giá hợp đồng mỗi năm là hơn 3,5 tỉ đồng. Điều này đã được các bên công bố trong buổi ra mắt trước mùa giải vô địch quốc gia 2022. Với nhà tài trợ trên, tổng thưởng của giải bóng chuyền vô địch quốc gia đang là 2 tỉ 280 triệu đồng trong đó mỗi đội vô địch (nam, nữ) sẽ nhận phần thưởng là 500 triệu đồng/đội và lần đầu tiên, nhà tài trợ này có logo riêng cho giải vô địch quốc gia gắn cùng thương hiệu của mình.
Vào năm 2021, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam từng gắn kết với nhà tài trợ là tập đoàn FLC và gắn tên vào giải vô địch quốc gia cũng như, một công ty con của tập đoàn sau đó tài trợ, gắn tên cùng giải hạng A toàn quốc. Khi ra mắt, nhiều hứa hẹn về hành trình dài hơi giữa 2 bên đã đưa ra nhưng sau những khó khăn thì thương hiệu này đã rút tài trợ khỏi giải vô địch quốc gia và giải hạng A toàn quốc chỉ sau 1 năm. Số tiền của hợp đồng tài trợ giải vô địch quốc gia năm 2021 không được Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam công bố. Sau khi có nhà tài trợ này, mỗi đội vô địch giải vô địch quốc gia được thưởng 500 triệu đồng/đội.
Trước đó một thời gian dài, giải bóng chuyền vô địch quốc gia đã được gói tài trợ chính của ngành dầu khí thông qua các công ty thành viên và gắn tên cùng giải đấu. Tiền tài trợ cũng không được tiết lộ. Tuy nhiên, thưởng cho đội vô địch được duy trì rất lâu ở mức 100 triệu đồng/đội rồi tới mức 150 triệu đồng/đội.
“Hiện tại, nhà tài trợ của giải bóng chuyền vô địch quốc gia là không độc quyền. Chúng tôi vẫn luôn chờ đợi có thêm những nhà tài trợ mới có sự quan tâm tới bóng chuyền vô địch quốc gia hoặc các giải đấu sẽ cùng đồng hành tài trợ. Nếu được như vậy, bóng chuyền nói chung có thêm nhiều nguồn lực trong việc tổ chức giải đấu và thực hiện các chương trình về đào tạo, đầu tư”, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam – ông Lê Trí Trường trao đổi ngày 6-2. Giới thể thao thời gian qua chú ý đáng kể vào giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League) về chuyện độc quyền hay không độc quyền giữa nhà tài trợ của giải với nhà tài trợ riêng một đội bóng (đội Hoàng Anh Gia Lai).
Với giải bóng chuyền vô địch quốc gia, điều này chưa xảy ra. Nhưng không có nghĩa, trong tương lai, điều này sẽ không xảy tới. Dĩ nhiên, khi đã ký kết cùng nhà tài trợ, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cùng đối tác phải có các ràng buộc cụ thể theo đúng quy định. Đồng thời, với nhà trợ chính hiện tại của giải vô địch quốc gia, Liên đoàn phải đảm bảo các yêu cầu trong hợp đồng là làm sao phủ lấp khán giả để không có ghế trống trong nhà thi đấu.
Về tổng thể, nếu làm hiệu quả, chắc chắn Liên đoàn bóng chuyền đủ khả năng kêu gọi được thêm nhà tài trợ mạnh vì giải bóng chuyền vô địch quốc gia đã và đang có sức hút với người xem.
Đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang HN đang quyết tâm để hướng tới ngôi vô địch quốc gia sau khi đã 3 lần về nhì. Ảnh: T.THẢO |
Tuy nhiên, bóng chuyền có một thực tế đó là nhà tài trợ chính giải vô địch quốc gia sở hữu đội bóng hoặc cũng tài trợ chính cho một hoặc hơn một đội bóng tham dự giải vô địch quốc gia. Đơn cử, các thương hiệu của dầu khí tài trợ giải vô địch quốc gia, thì đội nam Tập đoàn dầu khí Việt Nam (cũ), nữ Vietsov Petro (cũ), nữ Xây lắp dầu khí Thái Bình Dương (cũ) dự giải; hay năm 2021, FLC tài trợ chính cho nữ Bộ tư lệnh Thông tin và nữ Vĩnh Phúc. Hiện tại, nhà tài trợ chính của giải bóng chuyền vô địch quốc gia là đơn vị chủ quản đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang HN. Liên đoàn bóng chuyền luôn khẳng định rõ ràng tách biệt giữa nhà tài trợ giải với chuyên môn đội bóng tham dự, và không bao giờ có ưu ái dành cho đội của nhà tài trợ.
Vòng 1 giải bóng chuyền vô địch quốc gia năm nay sẽ bắt đầu khởi tranh từ ngày 24-2.
Đón đọc bài tới: Nguồn thu của giải bóng chuyền quốc gia