Điều chỉnh kế hoạch phù hợp
"Chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên sau khi thi đấu ở Tokyo (Nhật Bản), Viên khẳng định là không có ảnh hưởng tâm lý và thoải mái khi thi đấu. Khi nhìn vào chỉ số chuyên môn, có nhiều thứ cần phân tích và chúng ta thấy, VĐV bơi nói riêng có các giai đoạn nên rất khó đưa so sánh để nói rằng vì sao lại đạt chỉ số thấp hơn khi VĐV còn trẻ, đã dự những giải trước", phụ trách bộ môn bơi (Tổng cục TDTT) bà Lên Thanh Huyền bầy tỏ trong trao đổi ngày 30-7.
Nhìn vào thực tế, dù đã ở Việt Nam tập luyện từ năm 2020 khi tạm dừng chương trình dài hạn tại Mỹ, Ánh Viên vẫn là tuyển thủ được chế độ cao nhất và ưu tiên nhất mà bơi Việt Nam dành cho. "Tôi phải khẳng định, Ánh Viên được chế độ tốt nhất theo đúng quy định dành cho VĐV đội tuyển quốc gia được tập huấn, thi đấu và trong khẩu phần ăn thì Viên được ăn khẩu phần riêng để đảm bảo hiệu quả chuyên môn", bà Huyền chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, sự xuống sức của Ánh Viên (dựa trên thành tích thi đấu trong nội dung 200m tự do, 800m tự do) tại Olympic Tokyo 2020 cho thấy đấu trường Thế vận hội vô cùng khắc nghiệt. Kể cả những tuyển thủ từng giành HCV Olympic Rio de Janeiro 2016 cách đây 5 năm như Schooling (Singapore) hay Katinka Hosszu (Hungary) đều thất bại cay đắng tại Tokyo. Tuổi tác là một vấn đề tác động chính đến thành tích. Thứ đến, động lực thi đấu còn hay không mới có được mục tiêu cụ thể.
"Nếu bảo rằng sau Olympic Tokyo 2020, bơi lội Việt Nam không đầu tư cho Viên nữa là không đúng. VĐV này luôn ở kế hoạch trọng điểm của bơi Việt Nam hàng năm chứ không phải một giải cụ thể là Olympic nên vẫn thuộc chương trình đầu tư, tập luyện thi đấu. Tuy nhiên, khi VĐV đã dần lớn tuổi và có sự chững lại ở chuyên môn, chúng tôi có những kế hoạch điều chỉnh phù hợp nhất về thi đấu trong các giải", bà Huyền khẳng định.
Ánh Viên sẽ ra Hà Nội tập luyện
Đội tuyển bơi sẽ thay đổi hoàn toàn sau Olympic Tokyo 2020 đó là tất cả tập trung về một mối thay vì tập huấn từng Trung tâm HLTTQG như trước. Dựa trên tình hình dịch bệnh Covid-19, nếu không có gì thay đổi, trong tháng 8, các tổ nội dung bắt đầu ra Hà Nội và tập huấn tại Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình ngay tại hồ bơi Mỹ Đình - nơi thi đấu các giải quốc tế của Việt Nam. Tổng cục TDTT đã phê duyệt chương trình trên.
Đó là mục tiêu dài hạn. Mục tiêu trước mắt, bơi lội Việt Nam chưa khép lại chương trình tìm chuyên gia cho Ánh Viên. Gần 2 năm qua, Ánh Viên tập tại Trung tâm HLTTQG TPHCM và ban huấn luyện đội bơi quốc gia gồm 3 HLV thay phiên nhau huấn luyện. Đã có giai đoạn, Viên chỉ muốn giáo án của ông Tuấn để tập huấn nên phía sau việc tập luyện của kình ngư người Cần Thơ còn nhiều điều được giữ kín. "Bơi Việt Nam liên tục tìm chuyên gia để huấn luyện Ánh Viên, nhưng để có chuyên gia giỏi, tiền lương là không thấp. Chúng tôi đã liên hệ một số chuyên gia nhưng họ không đồng ý. Một HLV chuyên môn giỏi luôn đòi 10.000 USD/tháng hoặc nhiều hơn nên đó là một bài toán rất khó giải".
Năm 2019, bơi Việt Nam đã có các chuyên gia Huang Guohui (Trung Quốc), Anderson Christopher (Mỹ), Nagy Peter (Hungary) huấn luyện các tuyển thủ trong từng nội dung riêng biệt. Bây giờ, chuyên gia Huang Guohui vẫn làm việc tại Việt Nam và hiệu quả ở công tác huấn luyện VĐV Nguyễn Huy Hoàng.