Lúc này, Tú Chinh đang tập huấn tại Mỹ cùng các chuyên gia hàng đầu ở các cự ly tốc độ…
Tiếp theo Tú Chinh, người dân TPHCM trông chờ sẽ có thêm nhiều
VĐV xuất sắc được đưa sang nước ngoài tập huấn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
VĐV xuất sắc được đưa sang nước ngoài tập huấn. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Chậm mất 2 năm, ngành TDTT thành phố mới lên được lịch cho một số bộ môn tuyển chọn nhân tài và đưa đi tập huấn ở những nền thể thao tiên tiến hàng đầu thế giới như Mỹ (điền kinh, bơi lội), Trung Quốc (bóng bàn, cử tạ, nhảy cầu), Australia (bơi lội, quần vợt), xe đạp (Nga), taekwondo (Hàn Quốc), Judo (Nhật Bản)… Nhưng dù sao, việc VĐV Lê Tú Chinh chính thức “mở đường” cũng đã đưa đến một tín hiệu lạc quan cho nhiều môn thế mạnh khác của thể thao TPHCM đang chờ phê duyệt kế hoạch luyện nghề nơi xứ người cho các mục tiêu ASIAD 19, Olympic 2020, SEA Games 2021… Vài tháng trước, Trưởng bộ môn điền kinh Trịnh Đức Thanh đã phải chạy “vắt giò lên cổ” để hoàn tất các thủ tục cho HLV Nguyễn Thị Thanh Hương và VĐV Lê Tú Chinh kịp lên đường sang Mỹ tập huấn ở Học viện Điền kinh IMG.
Nên nhớ rằng, chương trình đầu tư trọng điểm của thành phố cho ngành TDTT đã được đưa vào nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 10, tức là sự ưu ái dành cho thể thao rất lớn và theo đó là sự kỳ vọng của nhân dân thành phố đối với lĩnh vực đặc biệt này. Tương lai của thể thao TPHCM nếu không khởi sắc thì có nghĩa sẽ phụ lòng tin cậy của cả một cộng đồng phía sau lưng.
Những người có trách nhiệm, đặc biệt là giới quản lý những môn trọng điểm, đều hiểu rằng, muộn còn hơn không bắt tay vào cuộc. Bởi sau nhiều năm sa sút, mất đi vị thế của trung tâm thể thao hàng đầu cả nước, TPHCM cần tạo nên một bước đột phá mạnh mẽ và khát vọng. Chương trình đầu tư cho tài năng thể thao giờ đây phải được xem xét và xây dựng một cách thận trọng, chỉn chu, tuyển chọn được đúng VĐV tiềm năng để đưa đi nước ngoài đào tạo. “Thế hệ vàng” là bài học lớn trong quá khứ, bởi vì dù đó là một chiến lược được chuẩn bị tốt, nhưng cách làm nóng vội và chưa mang tính tập trung của ngành TDTT TPHCM đã không mang lại hiệu quả thật sự.
Thật ra, điều quan trọng là tạo được cơ chế thông thoáng, mang tính động lực cho phát triển. Về điểm này, UBND TPHCM đã thực hiện rồi, tức là đã mở toang cánh cửa đầu tư cho ngành TDTT tìm kiếm, tuyển chọn nhân tài để đào tạo. Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM cũng đã làm quen với chương trình đặc biệt này từ cách đây 2 năm, như thừa nhận của ông Mai Bá Hùng - Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM thì đấy là một chủ trương đúng đắn và mang tính khơi gợi cho ngành thể thao phát huy hết tiềm năng của mình.
Vấn đề còn lại, các bộ môn được đưa vào kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực tài năng như điền kinh, bơi lội, xe đạp, bóng bàn, nhảy cầu, taekwondo, karatedo, judo, cử tạ, boxing, rowing, bắn súng, bắn cung… nhanh hay chậm nữa mà thôi. Theo đánh giá của giới làm nghề, đến thời điểm này mới chỉ có lác đác vài VĐV được ra nước ngoài tập huấn là chưa ổn, chưa thể hiện được sự quyết tâm trong hành động của ngành thể thao TPHCM. Dường như vẫn xuất hiện một thái độ làm việc thụ động trong ngành thể thao, vẫn có nhiều bộ môn, trung tâm chờ đợi chỉ đạo của Sở VH-TT TPHCM thay vì chủ động xây dựng kế hoạch tuyển chọn VĐV và địa điểm tập huấn ở nước ngoài rồi trình lên cấp cao hơn phê duyệt.
UBND TPHCM đầu tư cho chương trình “Nâng cao chất lượng, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, TDTT của TPHCM giai đoạn 2016-2020” một nguồn kinh phí rất lớn. Đối với riêng ngành TDTT, theo tính toán sơ bộ từ Phòng Thể thao thành tích cao cho 20 môn nằm trong chiến lược phát triển, số tiền chi ra mỗi năm đã lên tới trên 50 tỷ đồng. Tức là ngành TDTT sẽ tiết kiệm được chừng ấy ngân sách chi cho hoạt động sự nghiệp nói chung và chuyên môn nói riêng, quá thuận lợi để đưa VĐV tài năng ra nước ngoài luyện nghề, mau chóng tìm lại hình ảnh và vị thế của một trung tâm thể thao từng dẫn đầu cả nước trên hầu hết các bộ môn, từ phong trào đến đỉnh cao.