US Open 2017

Người Mỹ đầu tiên – người Mỹ cuối cùng…

Đánh bại Mischa Zverev (Zverev “anh”) với điểm số áp đảo hoàn toàn là 6-2, 6-2 và 6-1, Sam Querrey đã trở thành “người Mỹ đầu tiên” lọt đến tứ kết của một giải đơn nam US Open, kể từ thời của Andy Roddik và John Isner hồi năm… 2011. 
Tay vợt Sam Querrey.
Tay vợt Sam Querrey.

Chưa hết, Sam Querrey cũng chính là “người Mỹ cuối cùng” hiện diện ở giải đơn nam của US Open năm nay. Tất cả những tay vợt nam khác xứ cờ hoa khác, đều đã bị loại trước vòng đấu thứ 4.

Người cuối cùng của “bộ lạc”

Chỉ mất vỏn vẹn 77 phút (trận đấu ngắn thứ 3 ở US Open năm nay), Sam Querrey vẫn có thể khiến đám đông khán giả Mỹ sướng ngất ngây bằng màn trình diễn cực kỳ đẳng cấp. Querrey - tay vợt đã bị lãng quên từ nhiều năm qua vì “không có khả năng phát triển thêm” - đang trải qua một mùa giải rực rỡ nhất trong sự nghiệp. Anh đã giành được 2 danh hiệu (trong tổng số 10 danh hiệu trong sự nghiệp), gồm danh hiệu Abierto Mexicano Telcel ở Acapulco và danh hiệu Abierto Mexicano de Tenis Mifel ở Los Cabos (cũng thuộc Mexico), lọt đến bán kết Wimbledon mới đây (chỉ chịu thua Marin Cilic).

Người Mỹ đầu tiên – người Mỹ cuối cùng… ảnh 1 Sam Queerey đại diện cho quần vợt nam nước Mỹ ở US Open năm nay.
Người Mỹ chưa bao giờ hoài nghi thực lực bản thân ở các giải đấu dành cho nữ. Họ có chị em nhà Williams, cô em mới sinh con gái và đang nghỉ ngơi chờ đến Australian Open vào năm sau thì cô chị đang kỷ niệm 20 năm ngày tham gia US Open với việc lọt đến tứ kết Grand Slam thứ 39 trong sự nghiệp. Họ còn có Sloane Stephens (vừa giành quyền lọt vào tứ kết), Madison Keys, Coco Vandeweghe (mới loại cựu số 2 thế giới là Agnieszka Radwanska) rồi cả Jennifer Brady… Trong khi đó, ở các giải đấu dành cho nam họ thường ca bài ca: “Ta chẳng còn ai” vì ngoại trừ John Isner chỉ có khả năng so đọ với phần còn lại của thế giới bằng khả năng giao bóng từ lợi thế tầm cao của mình, những tay vợt người Mỹ còn lại, từ trẻ đến… không còn trẻ ít khi tạo ra hiệu ứng gì đặc biệt.

Nhưng giờ đây, họ đang có một Querrey đang chơi cực kỳ hay và cũng dũng cảm như khi anh quyết định ngừng học Đại học để theo đuổi môn quần vợt mến yêu, rồi có những lúc tưởng anh đã “chết chìm” với sự lựa chọn của mình – đến nỗi, anh cảm thấy căm ghét quần vợt. Và rồi, nhìn vào Querrey ngày hôm nay, người ta nhận ra, anh sẽ là tay vợt số 1nước Mỹ (lần đầu tiên kể từ tháng 7-2013) và là người duy nhất còn lại của “bộ lạc” đang cố tranh đấu vì lá cờ hoa ngay tại Grand Slam ở quê nhà. Người Mỹ từng trải qua quãng thời gian 18 kỳ Grand Slam không có nổi một đại biểu hiện diện ở vòng đấu tứ kết. Giờ đây, họ đã lọt đến tứ kết ở 3/6 kỳ giải Grand Slam gần đây. “Họ”, ở đây vốn chỉ có một ý nghĩa duy nhất – đó chính là “riêng một mình Querrey”.

Người Mỹ đầu tiên – người Mỹ cuối cùng… ảnh 2 Sam Querrey trong trận thắng Mischa Zverev.
 Petra và chiến tích mang tên “chưởng trái”

Trong một kết quả rất đáng chú ý ở giải đơn nữ, Petra Kvitova đã tìm được chiến thắng lớn nhất kể từ khi quay trở lại sân đấu sau quá trình hồi phục chấn thương do bị dao đâm ở bàn tay trái, vì đã đánh bại nhà ĐKVĐ của Wimbledon là Garbine Muguruza với điểm số thuyết phục 7-6 (7-3), 6-3. Đó là trận đấu mà Petra liên tục bị dẫn trước 2 game đấu ở ván mở màn nhưng vẫn lội ngược dòng giành chiến thắng trong loạt tie-break trước khi chơi áp đảo trong ván đấu thứ 2.

Những ai từng trông thấy bàn tay nát bấy vì bị dao đâm của Petra (cả năm ngón tay đều bị đứt ngang, cộng thêm 2 sợi gân) sẽ không khỏi ớn lạnh và cho rằng cô khó lòng hồi phục chứ chưa nói đến việc quay trở lại cầm vợt thi đấu. Thế nhưng, “chưởng trái” của Petra cứ như đã luyện thành Thiết Sa Chưởng, hồi phục nhanh và cứng rắng đến không ngờ để giờ đây, nó trở thành thứ vũ khí hữu hiệu giúp cô đánh bại tay vợt ứng viên nặng ký nhất cho ngôi vô địch giải đơn nữ.

Người Mỹ đầu tiên – người Mỹ cuối cùng… ảnh 3 Petra Kvitova trong một pha "mở vợt" bằng "chưởng trái".
“Đây giống như một giấc mơ khi bạn được bước ra sân và thi đấu ở một sân khấu cực lớn, đối mặt với một trong những tay vợt hàng đầu thế giới. Tôi đã nỗ lực rất nhiều để có thể tái xuất hiện ở đây thêm một lần nữa. Điều đó có ý nghĩa rất nhiều. Đó là cả một chuyến hành trình mà tôi thậm chí còn chẳng biết nó sẽ kết thúc như thế nào và nếu nó có kết thúc như thế nào ở một sân khấu lớn như thế này thì đó cũng là một kết cục viên mãn, một kết thúc có hậu. Tất cả mọi thứ sau những gì đã xảy ra đều là những điều đầy mới mẻ. Tôi trân trọng mỗi thời khắc ở đây và đó là điều hoàn toàn khác biệt so với trước đây. Tôi đã đến đây mà không hề có một sự mong chờ nào. Tôi chẳng có một mục tiêu nào cả”, Petra tâm sự sau chiến thắng hướng thẳng cô đến vị trí của… Venus Williams.

Tin cùng chuyên mục