Khi bài báo lên trang cũng là lúc đội tuyển bóng bàn Việt Nam đi thi đấu Giải vô địch châu Á 2017 (diễn ra ở Trung Quốc). Trong vai trò đầu tàu, tay vợt Đinh Quang Linh sẽ giữ trọng trách không hề nhỏ…
Mọi thứ phải công bằng
Sau lứa đàn anh Nguyễn Nam Hải (Hà Nội, giờ đang là HLV trưởng đội tuyển quốc gia), Đoàn Kiến Quốc (Khánh Hòa) hay Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng (Hà Nội), bây giờ, Đinh Quang Linh (Quân đội) đang là VĐV kinh nghiệm nhất, kỳ cựu nhất của ĐTQG. Ở tuổi 32, tay vợt người quê gốc Nam Định không ít lần bày tỏ, thành công của mình vẫn còn rất nhỏ trước mọi người nên sự nỗ lực bản thân vẫn luôn cao nhất để đạt thành tích khi thi đấu.
Gặp Đinh Quang Linh trong ngày tập luyện cuối cùng tại Hà Nội trước khi đi Trung Quốc thi đấu Giải vô địch châu Á 2017, tay vợt chia sẻ: “Tôi và các VĐV tập luyện để thêm một lần đọ sức với đối thủ mạnh ở châu lục. Tại châu Á, bóng bàn mình chưa phải đội mạnh nhưng sau 2 năm giải mới diễn ra một lần thì cơ hội đi thi đấu sẽ biết thêm hơn sự phát triển của các nền bóng bàn khác. Chúng ta học được nhiều từ chuyên môn qua giải”.
Nói về chuyên môn, nhiều người ở giới bóng bàn và CĐV hâm mộ gần như biết rõ về Đinh Quang Linh. Vì vậy, sự tò mò về Đinh Quang Linh vẫn chỉ là cuộc sống sau bàn đấu của tay vợt đang thuộc biên chế bóng bàn Quân đội. Hỏi chuyện gia đình, Linh chỉ cười: “Cuộc sống của tôi cũng như mọi người. Sau mỗi ngày tập luyện, tôi thấy niềm vui nhất là về nhà cùng chơi với 2 cậu con trai và bà xã. Như thế, sự mệt mỏi được giải tỏa hết”. Thật ra, sự công bằng không bỗng nhiên mà tới, ít nhất, VĐV phải thể hiện được sự nỗ lực bản thân thì kết quả sẽ đúng như mình rèn luyện.
Trọng trách của Đinh Quang Linh ở ĐTQG là rất lớn. Ảnh: Nhật Anh
Các HLV và người làm chuyên môn bóng bàn khi tiếp xúc rồi quen biết với Đinh Quang Linh luôn đánh giá cao ý thức chuyên môn của tay vợt này. Đã có lịch tập luyện là không bao giờ bỏ dở hoặc xin cáo nghỉ. Linh đã kể rằng, một phần ý thức kỷ luật ấy được môi trường quân ngũ rèn luyện cho mình. Cộng thêm sự đam mê với bóng bàn, việc tập trở thành niềm vui chứ không phải gò ép.
HLV Vũ Mạnh Cường (Hà Nội T&T) từng bày tỏ: “Thời chúng tôi tập luyện, thi đấu, VĐV dành nhiều thời gian tập và tranh tài cùng bóng bàn. Tất nhiên, ngoài lúc thi đấu, ai cũng có niềm vui riêng với bạn bè bên ngoài nhưng đã tập là tập trung không bỏ bê”. Đúng như ông Cường chia sẻ, sự đam mê mang lại niềm hưng phấn khi tập luyện, thi đấu và kể như vậy tuổi thọ nghề mới dài lâu. Đinh Quang Linh cũng là một VĐV kiểu mẫu bền bỉ, chăm chỉ ấy nên nhiều đàn em trẻ phải noi theo.
Chỉ tiếc về Olympic
“Hạnh phúc nhất và nhớ nhất sự nghiệp của tôi chính là chiếc HCV cá nhân nam tại giải VĐQG năm 2008. Đó là lần đầu tôi giành vô địch đơn nam và giúp bóng bàn Quân đội có niềm vui vô địch nội dung này sau thời gian chờ đợi quá lâu”, Đinh Quang Linh nhớ lại. Sau 7 năm, Đinh Quang Linh có niềm vui thứ 2 khi giành HCV đơn nam tại giải VĐQG 2015. Nối tiếp thành công, mùa giải VĐQG 2016, Đinh Quang Linh thắng Nguyễn Anh Tú (Hà Nội) và bảo vệ thành công HCV đơn nam tại chung kết. Những kết quả HCV, HCB, HCĐ ở SEA Games, Đinh Quang Linh đã có cả. Dù vậy, chính tay vợt còn một tiếc nuối là chưa từng được dự Olympic.
Bóng bàn Việt Nam tìm suất chính thức Olympic rất khó. VĐV kỳ cựu Đoàn Kiến Quốc là người gần nhất có 2 suất chính thức cho chúng ta tại Olympic 2004, 2008. Còn lại, chưa ai làm được. Sự tiếc nuối của Đinh Quang Linh là nỗi buồn chung của bóng bàn Việt Nam vì thời điểm chuẩn bị vòng loại Olympic 2012, 2016, nhà quản lý không quyết tâm nên chuẩn bị quá hời hợt khiến từng VĐV mất đi cơ hội được dự giải tranh vé. Giờ đây, ngoài tập luyện, thi đấu, Đinh Quang Linh thử sức thêm trong vai trò tổ chức một số giải bóng bàn. “Quan niệm của chúng tôi là tạo sân chơi cho anh em trong giới và VĐV là trung tâm của tất cả nên họ cần được trao những phần thưởng tương xứng với kết quả”, Đinh Quang Linh giãi bày.
NGUYỄN ĐÌNH