Ngoài Nguyễn Thị Oanh, thể thao Việt Nam có không ít tài năng cần hỗ trợ

Tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Oanh là ngôi sao sáng của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 tới lúc này. Những khoản thưởng, phần quà giá trị đã tới với cô sau các thành tích HCV tại SEA Games 32 là sự động viên đáng khích lệ, kịp thời. Dĩ nhiên, thể thao Việt Nam có không ít gương mặt có sự nổi bật để chúng ta kỳ vọng có thêm nguồn lực xã hội hóa đồng hành...
Nguyễn Thị Oanh là ngôi sao sáng của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nguyễn Thị Oanh là ngôi sao sáng của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ngay khi Nguyễn Thị Oanh giành được các kết quả quan trọng tại SEA Games 32, cô đã được đón nhận những phần thưởng phần quà quý giá. Lúc này, Oanh đã được tặng xe hơi, được tặng nhà và tặng tiền thưởng trước sự đóng góp về thành tích của cá nhân tuyển thủ vào kết quả chung của đội tuyển điền kinh Việt Nam.

Để có thành công chuyên môn bây giờ, Nguyễn Thị Oanh phải trải qua hành trình khổ luyện rồi nỗ lực thi đấu mang vinh quang về cho tổ quốc. Người làm thể thao, đặc biệt là nhà chuyên môn điền kinh, đánh giá rất cao ý chí cùng nghị lực và khả năng chuyên môn của Nguyễn Thị Oanh từ trước đây chứ không chỉ ở một thời điểm cụ thể như thi đấu tại SEA Games 31 hay SEA Games 32.

HLV Trần Văn Sỹ của đội tuyển điền kinh Việt Nam trong những lần trò chuyện luôn ghi nhận nỗ lực vượt lên mọi khó khăn trong thi đấu của Nguyễn Thị Oanh. Chính thế, những phần thưởng, phần quà tới với cô là xứng đáng. Nguyễn Thị Oanh có được như thế là phù hợp.

Về tổng thể, thể thao Việt Nam đã và đang có những đầu tư vào các môn thể thao theo những mục tiêu riêng. Nhưng trên hết, chúng ta vẫn hướng tới mục đích tìm và đào tạo cũng như bồi dưỡng phát triển phát huy tối đa nhất những tuyển thủ ở nhóm môn Olympic. Thành tích Olympic chính là thước đo về giá trị chuyên môn cho từng nền thể thao trên thế giới.

Sau khi những Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) đã rời các đội tuyển quốc gia và có sự nghiệp mới, chúng ta đang sở hữu nhiều gương mặt mới là niềm hy vọng cho thể thao nước nhà. Ngoài Nguyễn Thị Oanh, thể thao Việt Nam kỳ vọng nhiều tuyển thủ thành công vươn tầm châu Á như Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo, Nguyễn Thị Thật, Nguyễn Thùy Linh hay Phạm Thị Hồng Thanh, Trịnh Văn Vinh, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Khánh Phong...

Thể thao Việt Nam có các chiến lược đầu tư con người, đặc biệt con người trọng điểm. Tuy thế, muốn cụ thể và hoàn hảo nhất phải cần nguồn kinh phí cũng như có thêm nguồn lực xã hội hóa đồng hành. Chúng ta luôn kêu khó về việc này. Không có nguồn lực đầu tư thật nhiều, tài năng thể thao có triển vọng tới đâu vẫn khó đạt được kết quả tốt nhất. Bởi vì, để tuyển thủ góp mặt ở một trận chung kết trong nội dung ở môn thể thao của mình thì họ phải có sự rèn rũa, tập luyện và được sự chăm sóc kỹ càng từ dinh dưỡng cho tới chuyên môn.

Tuyển thủ đội tuyển bơi Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng đã giành được những tấm HCV quý giá cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tuyển thủ đội tuyển bơi Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng đã giành được những tấm HCV quý giá cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nguồn tiền đầu tư của ngành thể thao chỉ có hạn theo ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm. Người làm thể thao luôn chờ đợi thêm nguồn xã hội hóa đồng hành. Mà ở đây, chúng ta kỳ vọng nhiều vào các mạnh thường quân đam mê về thể thao chấp nhận bỏ tiền tài trợ, thưởng hoặc đầu tư song hành. Đã có không ít thời điểm, một số quỹ dành cho phát triển tài năng trẻ thể thao được lập. Dù thế, tính hiệu quả và sự tồn tại của quỹ ấy không lâu dài.

Chúng ta vẫn nhớ năm 2015, Nguyễn Thị Ánh Viên đã gây hiệu ứng mạnh mẽ nhất Đông Nam Á (hơn cả Nguyễn Thị Oanh lúc này) và khi trở về từ SEA Games 28-2015 tại Singapore, cô nhận được vô số phần thưởng giá trị từ tiền, chung cư cho tới xe máy... Lúc đó Quỹ khuyến khích tài năng bơi lội trẻ Việt Nam mang tên “Ánh Viên” đã được một ngân hàng đưa ý tưởng tới Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT nhằm xây dựng. Ngay thời điểm trên, số tiền 500 triệu đồng đã được ủng hộ để thành lập quỹ. Dù thế, quỹ này về sau gần như không còn được nhắc tới. Hay năm ngoái, Sabeco đã bàn giao 5 tỉ đồng cho Bộ VH-TT-DL cùng Tổng cục TDTT nhằm hỗ trợ cho 50 tuyển thủ tài năng trong sự chuẩn bị thêm về chuyên môn hướng tới các đấu trường quan trọng. Con số chưa cao nhưng đó cũng là một sự động viên tinh thần cho các tài năng trẻ.

Nguyễn Thị Oanh vẫn tìm một cơ hội có thể một lần được dự Olympic bằng chính thông số chuyên môn của mình. Trước đó, những tuyển thủ như Nguyễn Huy Hoàng, Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Thị Tâm... đã được tấm vé ấy và họ nỗ lực tranh tài nhưng cũng thật cần nhiều hơn sự đầu tư để tài năng được phát triển tốt nhất.

Tin cùng chuyên mục