Ghi nhận thực tế, nhiều cơ quan báo chí đã gởi văn bản chính thức các câu hỏi tới Bộ VH-TT-DL liên quan tới kết quả thi đấu của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris (Pháp) 2024 cũng như định hướng của ngành thể thao trong việc lấy lại vị thế của thể thao nước nhà ở đấu trường Olympic thời gian tới.
Đoàn thể thao Việt Nam đã kết thúc tranh tài Olympic Paris (Pháp) 2024 và các thành viên đã về nước ngày 12-8. Tới thời điểm hiện tại trong tuần qua, đơn vị quản lý trực tiếp các hoạt động thể thao của Bộ VH-TT-DL là Cục TDTT chưa có thông tin chính thức gì trao đổi với công luận sau thành tích thi đấu của thể thao Việt Nam tại Paris (Pháp) vừa qua.
Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, chúng ta đã có 18 tuyển thủ góp mặt và không giành được kết quả huy chương. Olympic Paris (Pháp) 2024, chúng ta tham dự với 16 tuyển thủ ở 11 môn thể thao và cũng không giành được huy chương. Mục tiêu của Đoàn thể thao Việt Nam khi dự Olympic Paris (Pháp) 2024 là phấn đấu giành huy chương. Tiếc rằng, chúng ta chưa hiện thực được kết quả. Trong khu vực Đông Nam Á, các nền thể thao giành được huy chương Olympic Paris (Pháp) 2024 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Các nền thể thao không có huy chương là Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia, Timor Leste, Brunei.
Đây là lần đầu tiên, Đoàn thể thao Việt Nam dự đấu trường Olympic khi cấp quản lý ngành đã thay đổi từ Tổng cục TDTT xuống thành Cục TDTT. Đáng chú ý, trong các đấu trường SEA Games 31 (năm 2021 tại Hà Nội) và SEA Games 32 (năm 2023 tại Campuchia), thể thao Việt Nam đều đã dẫn đầu kết quả tổng sắp về huy chương.
Sau Olympic Paris (Pháp) 2024, nhiều ý kiến của các chuyên gia, cựu quản lý ngành thể thao đưa ra rằng chúng ta phải có sự thay đổi và xác định cụ thể mục tiêu, phương thức đầu tư trọng điểm cho môn, nội dung thể thao thành tích cao. Chính vậy, những câu hỏi từ các cơ quan báo chí, truyền thông gởi tới Bộ VH-TT-DL cũng nhằm để chờ các lời giải đáp phù hợp nhất.
Theo báo cáo của ngành thể thao tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 với chủ đề khát vọng ASIAD, nâng tầm Olympic do Bộ VH-TT-DL chủ trì và Cục TDTT thực hiện cuối năm ngoái thì chúng ta đang đào tạo, huấn luyện các đội tuyển thể thao quốc gia ở cấp độ tuyển lớn và tuyển trẻ tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng Cần Thơ và Đại học TDTT Bắc Ninh với con số khoảng 2.200 VĐV (trong đó có khoảng gần 1.300 VĐV của các đội tuyển quốc gia và khoảng 960 VĐV của tuyến trẻ quốc gia). Đây là sự tập trung dài hạn, được thực hiện từ nguồn lực của nhà nước. Vì thế, giải bài toán từ số lượng những con người đang được tập trung như vậy tìm ra nguồn lực VĐV trọng điểm là bao nhiêu người để đầu tư chuyên biệt là không dễ.
Thể thao Việt Nam có 1 thành công thực tế ở trường hợp Nguyễn Thị Ánh Viên được tập trung dài hạn ở nước ngoài với 1 thầy (cựu HLV Đặng Anh Tuấn) và 1 trò (Ánh Viên) tại Mỹ. Bây giờ, thể thao Việt Nam chưa thực hiện việc đào tạo, huấn luyện và ra nước ngoài dài hạn như vậy với trường hợp thứ 2.