Với chiến thắng trước “đàn chị” Serena Williams ở trận chung kết đơn nữ của US Open hồi năm ngoái, Osaka đã trở thành “đối tượng tranh giành” của 2 làng quần vợt Nhật Bản và Mỹ. Cha mẹ cô (Leonard Francois – một người Haiti, và Tamaki – một phụ nữ Nhật Bản) vốn đã định hướng cho cô thi đấu dưới màu cờ của quần vợt Nhật Bản từ rất sớm.
Vì rằng, dù được trưởng thành trong những điều kiện vật chất, trang thiết bị hiện đại và những giáo án hàng đầu thế giới ở các Học viện quần vợt trẻ tại Mỹ, nhưng trong quá khứ, Osaka lại ít được người Mỹ chú ý đến. Mãi đến năm Osaka 16 tuổi, Liên đoàn quần vợt Mỹ (USTA) mới mời cô đến tập luyện ở Trung tâm huấn luyện quốc gia Boca Raton, nhưng khi đó thì đã quá muộn màng rồi.
Tuy vậy, với ngôi vô địch US Open, có một làn sóng “bẻ ngược” quan điểm, họ cho rằng Osaka chỉ là người Nhật trên danh nghĩa, còn lại trong máu của cô đều là “làm từ Mỹ”, từ ngôn ngữ, văn hóa, đến kỹ năng thi đấu trên sân… Rõ ràng, những người có quan điểm đó, đã nhìn thấy ở Osaka cái tố chất để thay thế cho một Serena đã quá cũ kỹ. Người ta tính không sai, khi Osaka trở thành tay vợt đầu tiên sau thời chị em nhà Williams, sở hữu 2 danh hiệu Grand Slam cùng 1 lúc (sau khi thắng US Open 2018, cô đã đăng quang Australian Open 2019).
Nhưng cho dù các bên có tranh giành như thế nào, tất cả đều đã bỏ quên 1 điểm tiên quyết nhất – người lựa chọn ở đây chính là Osaka, chứ không phải bất kỳ ai khác. Và cô hiện đang đứng trước một lựa chọn nan giải của mình – phải chọn quốc tịch Nhật Bản, hoặc Mỹ, trước sinh nhật 22 tuổi (Osaka sẽ tròn 22 tuổi vào ngày 16-10 trong năm 2019 này).
Theo Luật Quốc tịch Nhật Bản, các công dân đang có quốc tịch Nhật Bản và cũng sở hữu các quốc tịch khác sẽ buộc phải lựa chọn 1 quốc tịch duy nhất trước khi tròn 22 tuổi. Luật Quốc tịch này đã có nhiều sửa đổi thoải mái hơn so với Đạo luật ban đầu, khi quy định chỉ có trẻ em có cha mẹ là người Nhật Bản mới được nhận quốc tịch Nhật Bản. Sự thay đổi này chính là do nhà nước Nhật Bản muốn nới rộng vòng tay để chào đón các tài năng – không chỉ trong thể thao mà trong nhiều lĩnh vực khác – ở lại Nhật Bản, nếu có gốc gác từ đất nước này. |
Nếu Osaka giữ nguyên quan điểm này, đó sẽ là điều tốt cho đất nước Nhật Bản nói chung, và cho thể thao – quần vợt của Nhật Bản nói riêng. Theo như cây bút bình luận thể thao người Nhật, ông Michio Ushida, nếu Osaka từ chối quốc tịch Nhật Bản, điều đó sẽ mang đến một sự hoảng sợ cấp cả nước. Nhưng từ bỏ quốc tịch của một siêu cường kinh tế – chính trị – quân sự và cả thể thao như nước Mỹ ư? Đó sẽ là điều mà không ai dám tưởng tượng, và cũng sẽ là cú sốc không nhỏ cho nhưng ai theo quan điểm: “Osaka là đại biểu của quần vợt Mỹ”.