Chờ đợi hoài
Một năm, ngoại tệ mà môn đấu kiếm được ngành TDTT cấp để thực hiện các hoạt động thi đấu quốc tế và sắm thiết bị dụng cụ gần 90.000 USD. Thế nhưng, ít ai biết rằng ở giải vô địch châu Á 2017 mới đây tại Hồng Công-Trung Quốc, VĐV chúng ta phải cười ra... nước mắt vì dụng cụ hỏng suýt nữa phải bỏ cuộc. Khi tới giải, mặt nạ của nhóm VĐV kiếm chém trong kiểm tra kỹ thuật của BTC đã bị hỏng.
Trong tình cảnh không thể mua mới tức thì, chúng ta may mắn được một chuyên gia người Nga có quen biết ngay ở đó giúp đỡ sửa dùm được 1 chiếc mũ. Và như thế, cả đội kiếm chém từ nam tới nữ chỉ có 1 chiếc mũ chuyền nhau sử dụng tới hết lượt thi đấu của từng VĐV. “Chúng tôi đã có đề xuất xin mua dụng cụ mới. Tuy nhiên, đơn vị thực hiện là Trung tâm HLTTQG Hà Nội phải tìm nhà thầu cung ứng theo đúng quy định. Từ năm 2016 tới nay, theo tôi biết chưa có công ty nào tham gia cung cấp được nên tất cả vẫn chờ”, trưởng bộ môn đấu kiếm - ông Phùng Lê Quang xác nhận.
Bây giờ, nếu bảo nhà quản lý hay HLV nào của đội tuyển ứng tiền cá nhân trước để mua giúp VĐV dụng cụ như cây kiếm thi đấu gần như là không thể. Bởi lẽ, kiếm đã nằm trong danh mục là vũ khí và thuộc nhóm “nhạy cảm” nên muốn mua, dù là kiếm dành cho thi đấu thể thao, đội tuyển phải có quyết định và tìm được nhà cung cấp. Nếu tự ý mua mà chưa có quyết định, chi phí hoàn toàn không được quyết toán.
Đặt câu hỏi những cây kiếm thể thao mà VĐV của đội tuyển đang sử dụng nếu hỏng thì làm thế nào, ông Quang cho biết ngoài việc tự sửa thì phần lớn đội tuyển sẽ mượn của địa phương vẫn còn dư để đưa cho VĐV dùng. Quy định của môn đấu kiếm khi thi đấu quốc tế rất ngặt nghèo là dụng cụ được kiểm tra trước. Nếu dụng cụ bị lỗi mà không có đồ thay thế đúng tiêu chuẩn, VĐV xem như bị loại không được đăng ký thi đấu.
Tự lực cánh sinh cũng rất khó
Trong tập luyện và thi đấu, chuyện cây kiếm bị cong, gẫy hay hỏng điểm tiếp xúc (để tính điểm) là bình thường. Do số kiếm còn không đủ, các VĐV rất hạn chế dùng kiếm lúc tập. Chủ yếu họ phải tập động tác là chính. Một cây kiếm đạt tiêu chuẩn hiện tại có giá khoảng 100 USD. Một VĐV muốn yên tâm khi ra thi đấu tại quốc tế thì phải có khoảng 3 cây kiếm nhằm dự phòng kiếm hỏng hoặc không đạt tiêu chuẩn khi kiểm tra kỹ thuật trước giờ đấu.
Tính sơ bộ, một lần trang bị thì cả đội tuyển sẽ phải chi số tiền vài trăm triệu đồng để mua. Khúc mắc nằm chính ở khâu thủ tục nên VĐV, HLV và nhà quản lý bộ môn muốn thay thế, bổ sung thiết bị vẫn chưa thể.
“Rất nhiều lần chúng ta đi thi đấu, dụng cụ của mình bị hỏng nhưng may mắn là có khắc phục được tại chỗ. Hay như ở Hồng Công-Trung Quốc vừa rồi, đội tuyển cũng phải bỏ chi phí tạm mua một vài cây kiếm đủ tiêu chuẩn để VĐV sử dụng tức thì. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. VĐV cũng không thể tự bỏ chi phí cá nhân mua trang bị cho mình được bởi họ là tài sản quốc gia nên cần đầu tư phù hợp”, ông Quang giãi bày. Theo tìm hiểu, một cây kiếm thể thao trước cường độ dùng như của VĐV Việt Nam chỉ có tuổi thọ vài năm. VĐV phải tận dụng cây kiếm của mình từ tập luyện tới thi đấu tất cả các giải trong nước, quốc tế nên bị nhanh hỏng là dễ hiểu. Sắp tới, tuyển kiếm Việt Nam đi Đức thi đấu giải Vô địch thế giới 2017 và chỉ mang vừa đủ số kiếm đạt tiêu chuẩn chứ không được thoải mái về dụng cụ.
Đấu kiếm đi Đức thi đấu giải VĐTG 2017 từ ngày 16-7. Giải diễn ra tới hết ngày 25-7. Đội tuyển Việt Nam đã chốt danh sách dự SEA Games 2017 gồm Thành An, Xuân Lợi, Thu Hà, Bích Ngọc, Tiến Nhật, Nhật Minh, Như Hoa, Quốc Oai, Nguyễn Thị Quyên, Minh Quang, Đỗ Anh, Hoài Thu.