Điều đặc biệt nằm ở đâu: Nam Sudan gần như không có một sân bóng rổ trong nhà chuyên nghiệp nào. Quốc gia này mới ra đời vào năm 2011 sau cuộc xung đột ở Sudan (1983-2005), bị tàn phá bởi cuộc nội chiến (2013-2018) và cho đến ngày nay vẫn bị chia rẽ bởi bạo lực chính trị-dân tộc, người Nam Sudan đã thắng một trận đấu chắc chắn sẽ vẫn là điểm nổi bật của Thế vận hội Olympic này.
Đó là một câu chuyện đáng chú ý về sự kiên cường, đoàn kết và hy vọng – mang đậm hương vị Australia. Mọi thứ bắt đầu khi ngôi sao bóng rổ người Anh gốc Nam Sudan đã nghỉ hưu Luol Deng nhận được một cuộc điện thoại từ anh trai mình vào năm 2019, đi kèm với một lời đề nghị hấp dẫn: Chính phủ Nam Sudan muốn có người điều hành chương trình bóng rổ non trẻ của mình.
Trong những năm kể từ đó, cựu cầu thủ NBA – người đã rời khỏi Nam Sudan để tị nạn khi mới 5 tuổi, đã dồn hết tâm huyết vào việc xây dựng một cường quốc bóng rổ châu Phi. Lúc đầu, Luol Deng không có cầu thủ, không sân, không có trợ lý và phải tự trả tiền cho chính mình. Nhưng Luol Deng có một tầm nhìn: đoàn kết đất nước mới của mình thông qua bóng rổ.
“Kể từ khi tôi sinh ra, tôi không biết gì ngoài các câu chuyện về chiến tranh” Deng, người đã dành hơn một thập kỷ ở NBA, trò chuyện nói với BBC. “Bất cứ khi nào tôi còn đi học, ngay cả khi tôi thi đấu tại NBA, luôn luôn có ‘những người tị nạn bị bỏ đi vì chiến tranh’ và ‘đất nước bị chiến tranh tàn phá’. Bây giờ chúng tôi đang tìm một câu chuyện mới.”
Tự trả lương cho mình, Luol Deng bắt tay vào làm việc. Anh kêu gọi sự ủng hộ, tuyển dụng một HLV (ban đầu cũng không được trả lương) và bắt đầu nói chuyện với những cầu thủ tiềm năng. Cuộc di cư của những người tị nạn Nam Sudan trong nhiều thập kỷ bạo lực đồng nghĩa với việc có những VĐV bóng rổ tài năng chơi bóng trên khắp thế giới, nhưng hầu hết đều có quốc tịch thứ hai. Luol Deng đã phải thuyết phục họ nắm lấy cơ hội theo tầm nhìn của anh.
Đó là lúc hương vị Australia nổi lên. Tại Paris 2024, người ta nói Australia có đến 2 đội bóng rỗ dự giải, bao gồm Nam Sudan. Bốn trong số 12 thành viên của đội đang chơi ở Giải bóng rổ quốc gia Australia: Bul Kuol, Jackson Makoi, Majok Deng và Sunday Dech – trong khi người thứ năm, Kuany Kuany, sống ở Australia trước khi chuyển đến Mỹ để học đại học. Các thành viên khác của đội chơi ở NBA, Serbia, Trung Quốc, Israel và Rwanda.
Khi ông Luol Deng liên hệ với Kuol, người sắp được triệu tập vào đội tuyển quốc gia Australia, Kuol đã không hề suy nghĩ kỹ để quyết định chọn Nam Sudan để thi đấu. “Ngay khi tôi nhìn thấy tin nhắn từ Deng, tôi rất hân hạnh và vinh dự khi được làm điều gì đó như thế”, Kuol nói.
Đối với Kuol và nhiều đồng đội của anh, cơ hội được trở về quê hương mà họ đã không đặt chân đến trong nhiều thập kỷ là quá tốt để từ chối. Kuol lớn lên ở trại tị nạn Kakuma, phía tây bắc Kenya, trước khi chuyển đến Australia lúc chín tuổi. “Australia là quê hương nhận nuôi của tôi. Là một phần con người tôi - nơi tôi đã lớn lên, nơi tôi đã học hỏi, nơi tôi tìm thấy cơ hội, nơi gọi là nhà. Nhưng Nam Sudan là chính tôi, cha mẹ tôi đến từ đây, di sản của tôi, lịch sử của tôi.”
Sau khi tập hợp được một nhóm từ khắp nơi trên thế giới, chương trình của Luol Deng bắt đầu phát triển. Nam Sudan đã đủ điều kiện tham dự FIBA World Cup đầu tiên vào năm ngoái. Và sau khi đánh bại nhà vô địch châu Phi 11 lần Angola tại World Cup, Nam Sudan đã đặt được vé tới Paris. Họ đến Thế vận hội 2024 với tư cách là đội có thứ hạng thấp nhất đủ điều kiện tham dự trong hai thập kỷ gần đây, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì đối với người dân thủ đô Juba, những người đã đến để ăn mừng khi các thành viên của đội đến thăm sau trận đấu ở World Cup. “Nó mang lại cho một quốc gia niềm tự hào và sự đoàn kết” Kuol nói, “Nó gắn kết mọi người lại với nhau bất chấp sự khác biệt, bất chấp xung đột.”
Nam Sudan không đến Paris để dạo chơi. Ở trận giao hữu chuẩn bị, họ suýt đánh bại Mỹ và sẽ gặp lại đối thủ mạnh nhất thế giới này ở lượt trận thứ 2 bảng C, trước khi kết thúc vòng đấu bằng cuộc đụng độ với Serbia.
Nam Sudan đã phải tập trung huấn luyện cho Paris 2024 ở quốc gia láng giềng Rwanda khi nước họ không có cơ sở hạ tầng phù hợp. Nhưng ông Luol Deng hiện đang giám sát việc xây dựng cơ sở trong nhà ở thủ đô Juba. Theo thời gian, ông hy vọng sẽ xây dựng được 9 cụm sân như vậy tại quê hương mình. Thế nên, đây có thể là lần đầu tiên Nam Sudan góp mặt tại giải bóng rổ Olympic, nhưng có vẻ như không phải là lần cuối cùng. “Đó chỉ là sự khởi đầu” Luol Deng khẳng định một cách tự hào.