Khẳng định của lãnh đạo Tổng cục TDTT rằng 2 chuẩn tham dự Olympic ở các cự ly 400m và 400m rào nữ của VĐV Nguyễn Thị Huyền gần như chắc chắn được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) trao vé chính thức. Điều còn lại, Huyền chỉ phải đợi đến ngày 11-7 mới được xướng tên trong danh sách các anh tài tham dự ngày hội lớn của thể thao thế giới.
Mừng cho điền kinh và cho riêng cá nhân Nguyễn Thị Huyền. Suốt nhiều tháng qua, cô gái vàng người Nam Định đã hồi hộp, lo lắng cho viễn cảnh có thể trở thành khán giả của đấu trường Olympic, vì trên bảng xếp hạng thế giới, Huyền thua kém quá xa so với bạn bè, trong khi Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) chỉ chọn hơn 50 VĐV cho mỗi cự ly thi đấu tại Olympic 2016.
Nguyễn Thị Huyền giờ có thể chuyên tâm chuẩn bị cho Olympic 2016 (Ảnh: DŨNG PHƯƠNG)
Việc IAAF bất ngờ chỉ tính chung 1 chuẩn Olympic (thay vì 2 chuẩn A và B như trước đây) phần nào đó khiến nhiều quốc gia lúng túng. Cũng may, Nguyễn Thị Huyền của Việt Nam nếu tính theo chuẩn A thì vừa đủ, nhưng vì thời điểm công bố danh sách chính thức rất cận ngày khởi tranh Olympic nên tạo cho VĐV trạng thái tâm lý căng thẳng.
Điền kinh Việt Nam thậm chí đã chuẩn bị đến tình huống xấu nhất là Nguyễn Thị Huyền phải tìm kiếm chuẩn khác thông qua các giải đấu trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, vì kế hoạch chuẩn bị chưa kỹ, kể cả trong huấn luyện lẫn cách tạo điều kiện cho HLV và VĐV tập huấn ở nước ngoài, nên Huyền gần như vắng mặt ở hầu hết các giải đấu.
Tính từ thời điểm Huyền lên ngôi ở SEA Games 28 hồi tháng 6 năm ngoái, cô thực sự chỉ xuất hiện đúng 1 lần ở giải vô địch quốc gia 2015, nhưng sau đó cũng… bỏ thi đấu vì sợ chấn thương. Giới chuyên môn không biết được thông số thành tích của Huyền tiến bộ hay đang thụt lùi, nhất là sau khi cô từ chối cùng HLV đi tập huấn ở Mỹ để có được điều kiện tập luyện hiện đại nhất.
Thế cho nên, sau chuyện mừng là đến nỗi lo. Đại diện cho điền kinh Việt Nam được kỳ vọng lớn, nhưng việc Nguyễn Thị Huyền chọn cách tập luyện âm thầm ở trong nước, chưa thật rõ ràng về phong độ khiến giới làm nghề quan ngại cô sẽ “ngộp” khi bước ra đấu trường Olympic rộng lớn. Nên nhớ rằng, đấy không phải là cuộc dạo chơi đơn thuần, mà là một cơ hội để các VĐV thể hiện tài năng, không chỉ vì bản thân mà còn vì điền kinh và thể thao nước nhà. Cách thể hiện thái độ và lòng nhiệt huyết của VĐV trên đường đua sẽ quyết định tất cả.
Trong khi đó, VĐV Nguyễn Thành Ngưng chỉ bất ngờ giành tấm vé chính thức nhờ vào trạng thái thi đấu tuyệt vời ở một giải đấu nhất định, nhưng thật khó khăn khi phải đương đầu với những đối thủ xuất sắc bậc nhất thế giới trên đường đua Rio de Janeiro.
Thế nhưng, cho dù có hay không nằm trong dự kiến đạt chuẩn Olympic, thì thành công của chàng trai người Đà Nẵng chẳng khác nào cứu cánh cho điền kinh Việt Nam khi đang bối rối với chiến dịch tìm kiếm vé chính thức của mình. Tạm thời, Thành Ngưng hơn hẳn những đồng nghiệp được đầu tư tập huấn ở Mỹ như Quách Công Lịch và Quách Thị Lan.
Từ nay đến thời điểm “chốt” danh sách dự tranh các nội dung thi đấu của môn điền kinh Olympic (ngày 11-7), Lan và Lịch vẫn còn cơ hội khẳng định rằng tài năng của họ sẽ không phụ sự trông đợi của giới làm nghề nơi quê nhà, thông qua những giải đấu tại Mỹ và châu Âu - “chuyến tàu vớt” cuối cùng cho hy vọng đến Olympic 2016…
Lê Hùng