Đáng tiếc thay đó cũng là lúc Modric đánh mất mình bằng màn thay đổi khẩu cung vụng về, khiến anh trở thành kẻ thù số hai của những người yêu mến bóng đá Croatia.
Nhắc tới Mamic, chúng ta không thể bỏ qua sự kiện khá nóng hổi ở Euro 2016, khi cổ động Croatia phản đối chính đội nhà bằng cách ném pháo sáng vào sân. Họ chứ không ai khác mong chờ một sự cố ầm ĩ có thể loại đội nhà khỏi Euro, hay chí ít là khiến thế giới nhắc đến những tiêu cực đang tồn tại ở nền bóng đá xứ Balkan.
Họ muốn thế giới chú ý đến Mamic, kẻ có ảnh hưởng sâu rộng nhất bóng đá Croatia, đáng tiếc theo ý nghĩa tiêu cực. Người đàn ông từng giữ chức giám đốc điều hành Dinamo Zagreb, thường xuyên dùng ảnh hưởng của mình để ép các HLV tuyển Croatia phải triệu tập những cầu thủ đang khoác áo câu lạc bộ, giúp họ tăng giá và bán kiếm lời.
Chưa hết, Mamic còn có những hợp đồng mờ ám, nhận một phần đáng kể từ lương của các cầu thủ này ngay cả khi họ đã rời khỏi Dinamo Zagreb. Biệt danh “vòi bạch tuộc” cũng một phần nào đó cho thấy mức thao túng của Mamic đối với nền bóng đá nước này.
Modric tại phiên tòa.
Modric chính là một “cầu thủ của Mamic”. Anh thuộc biên chế đội bóng thủ đô Croatia từ 2002 đến 2008 trước khi gia nhập Tottenham Spurs với giá chuyển nhượng 16.5 triệu bảng Anh.
Nhà báo Aleksandar Holiga, cây viết quốc tế am hiểu bóng đá Croatia viết rằng Modric nhận phân nửa tiền chuyển nhượng đến Spurs (khoảng 8.25 triệu bảng), rồi tìm cách chuyển phần lớn số tiền ấy sang cho gia đình Mamic.
Chưa hết, số 10 của Croatia còn phải chi từ 20-30% lương ở Spurs cho Mamic. Modric chỉ thoát khỏi cảnh “nô lệ” khi chuyển về Real Madrid và trích tiền giải phóng “hợp đồng” với con cáo già này. Tất nhiên, những thông tin này luôn được bưng bít, nhưng vẫn có những cầu thủ quyết vạch trần bộ mặt thật của Mamic.
Điển hình là Eduardo, người không chấp nhận tiếp tục bỏ 40% lương cho Mamic và lôi chuyện này ra công chúng. Trung vệ Dejan Lovren của Liverpool cũng là một người trong cuộc vì đã từng khoác áo Dinamo Zagreb và trở thành tuyển thủ quốc gia.
Thay vì cam chịu như Modric, Lovren từng ra mặt phản đối công khai liên đoàn bóng đá Croatia, Mamic và cả HLV của Croatia tại Euro 2016 là Ante Cacic vì ưu ái những cầu thủ của Dinamo Zagreb.
Là một người trong cuộc, Lovren thừa hiểu những đợt sóng ngầm diễn ra ở hậu trường đội tuyển quốc gia: "Bạn còn nhớ Alen Halilovic chứ? Đó là một trong những tài năng trẻ triển vọng nhất, nhưng cũng không được dự EURO, bởi Mamic đã bán được cậu ấy rồi và chẳng còn thu lợi gì từ cậu ấy được nữa. Thay vào đó là Marko Rog, Ante Coric và Marko Pjaca (3 cầu thủ Dinamo), bởi họ "xứng đáng được trao cơ hội và đang chứng tỏ tiềm năng của mình”, nhưng trên thực tế chỉ nhằm tăng giá trị trên thị trường chuyển nhượng”.
Quay lại với những diễn biến tại toà án. Nỗ lực của các cổ động viên Croatia ở Euro 2016 được đền đáp bằng phiên toà xét xử Mamic, trong đó, huyền thoại sống đương thời, thủ quân và nhà vô địch Champions League 3 lần Luka Modric được chờ đợi sẽ chỉ chứng tội lỗi của con cáo già Mamic. Đáng tiếc thay, Modric yêu cầu được sửa lời khai. Holiga viết trên tờ Independent:
"Trong khi lời khai được đọc lại, anh ấy buông cái thở dài tỏ vẻ căng thẳng, lắc đầu. Sau đó anh ấy lắc lư một chút trên ghế, đặt hai tay lên bàn và lắp bắp: "Điều đó...điều đó tôi chưa từng nói ra...nó đã...nó đã bị thêm thắt vào. Tôi đã nói rằng tôi không thể nhớ thứ gì đã xảy ra".
Đó là khoảnh khắc Modric quay lưng với toàn bộ những người hâm mộ anh và đội tuyển Croatia. Vài giờ sau một nhóm cổ động viên Hajduk Split la ó: "Luka Modric, mày là đống phân khốn kiếp". Sáng hôm sau, thông điệp xuất hiện trên nhiều đường phố Croatia, đặc biệt nhất, ở Hotel Iz in Zadar, nơi gia đình Modric từng tị nạn "Modric, mày sẽ nhớ ngày này".
Sự 'phản bội' của Modric làm tổn thương người Croatia, họ đã tìm mọi cách để trừng phạt Mamic, bao gồm cả việc tìm cách loại đội nhà khỏi Euro 2016 để cả thế giới chú ý tới. Không lâu trước khi phiên toà được diễn ra, Mamic bị nhận ra trên bãi biển và một số kẻ quá khích hành hung.