Milos Raonic - Dưới 2 người, trên vạn người

2016 là mùa giải của Novak Djokovic và Andy Murray, khi mỗi người “hùng cứ” khoảng thời gian 6 tháng, “càn quét” hầu hết các danh hiệu lớn và thống trị trên bảng điểm xếp hạng của ATP. Tuy vậy, mùa giải 2016 vẫn là mùa giải của “những người khác”, một trong số đó chính là Milos Raonic, tay vợt trẻ người Canada đã vươn lên vị trí mà anh chưa từng đạt được trước đây – ngôi hạng 3 thế giới, nghĩa là, anh chỉ đứng dưới Murray và Djokovic, còn lại, anh xếp trên cả vạn người.

Cách đây 2 năm, tay vợt 25 tuổi người Canada gốc Montenegro từng tạo ra một mùa giải “kinh thiên động địa” trong sự nghiệp. Khởi đầu mùa giải 2014 ở vị trí hạng 11 ATP, đã có thời điểm Raonic leo lên ngôi hạng 6 thế giới và hoàn tất mùa giải ở ngôi hạng 8 thế giới nhờ vào những thành tích rất ấn tượng – lọt đến tứ kết Indian Wells (thắng Andy Murray ở vòng 4), lọt đến tứ kết Key Biscayne, tứ kết Monte Carlo Masters, lọt đến bán kết Rome Masters, lọt đến tứ kết Roland Garros, bán kết Wimbledon (sau khi đánh bại hàng loạt tên tuổi như là Kei Nishikori, Nick Kyrgios), tứ kết Toronto Masters, bán kết Cincinnati Masters, vòng 4 US Open, chung kết Japan Open ở Tokyo, chung kết Paris Masters (lần lượt đánh bại Roger Federer, rồi… Tomas Berdych trên con đường phiêu lưu của mình). Có thể nói, mùa giải 2014 là mùa giải rực rỡ nhất kể từ khi Raonic “xuất quan” hồi năm 2008, cho đến trước khi mùa giải 2016 diễn ra.

Nhờ thành công tuyệt vời trong năm 2014, Raonic – cùng với tay vợt trẻ người Bulgaria Grigor Dimitrov (có biệt danh là “Roger Federer mới” và vẫn đang vật lộn với áp lực do cái biệt danh này mang lại) – được dự báo là sẽ chơi thành công ở đấu trường Grand Slam trong năm 2015. Thậm chí, cả 2 tay vợt trẻ này được cho rằng sẽ sớm thắng danh hiệu Grand Slam đầu tay trong năm 2015. Để rồi, “kỳ vọng càng lớn, thất bại càng cao”, cả 2 đều phải trải qua một mùa giải 2015 bị đánh giá là “đầy thảm họa”. Ở Australian Open, Raonic vào đến vòng đấu tứ kết trước khi bị Novak Djokovic đánh bại. Ở Wimbledon, anh bị loại ngay ở vòng 3 bởi “người quen cũ” Nick Kyrgios, sau khi không thể tham gia French Open vì chấn thương. Còn ở US Open, Raonic cũng bị loại ngay ở vòng 3. Đó là lý do, dù thành tích ở nhiều giải đấu khác của Raonic là không tồi (anh lọt đến chung kết Brisbane International, bán kết Rotterdam Open, bán kết Indian Wells), anh vẫn rơi khỏi tốp 10 thế giới, hoàn tất mùa giải ở vị trí thứ 14 ATP.

Do vậy, mùa giải 2016, nơi chứng kiến Raonic đăng quang ngay ở Brisbane International hồi đầu năm, lọt đến bán kết Australian Open, lọt đến chung kết Indian Wells (chỉ tnua Novak Djokovic ở đây), chung kết AEGON Championships (cũng chỉ thua Andy Murray ở đây), chung kết Wimbledon (lại chỉ thua Andy Murray ở đây), bán kết Cincinnati Masters, bán kết China Open và đặc biệt là lần đầu tiên vào đến bán kết ATP World Tour Finals (cũng để thua Murray), chính là mùa giải biến Raonic trở thành một “cao thủ thượng thặng”.

“Tôi đã đạt được một bước tiến lớn lao trong mùa giải năm nay”, Raonic thổ lộ sau khi kết thúc mùa giải 2016 đáng nhớ bằng trận thua sau 2 loạt tie-break trước Novak Djokovic và trận thua sau loạt tie-break ván 3 – trận đấu dài nhất trong lịch sử ATP World Tour Finals (dài 3 tiếng 38 phút) – trước Andy Murray, 2 đối thủ mà Raonic phải “cam bái hạ phong” trong suốt 330 ngày vừa qua, “Tôi phải tự hào rằng tôi đã có thể hoàn tất mùa giải này sau khi cống hiến từng mảnh nhỏ năng lượng mà tôi có. Và tôi nghĩ rằng, trong cả 2 trận đấu đó ở London, tôi đã có nhiều cơ hội thắng break-point hơn, đó là sự tiến bộ mà tôi có được. Những cơ hội đó là đã đạt cực đại và xuất hiện nhiều hơn trước đây. Và chúng khiến tôi rất tự hào rằng chính bản thân tôi đã tự tạo ra những cơ hội, những cơ hội tuyệt vời, cho riêng mình khi đối đầu với 2 tay vợt mạnh nhất của mùa giải”.

Raonic đã lọt đến trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp ở Wimbledon hồi tháng 7 năm nay. Trước đó, anh cũng đã phiêu lưu đến tận trận bán kết giải Úc mở rộng, những trải nghiệm đó sẽ giúp ích cho Raonic rất nhiều trong tương lai, nhưng anh cũng hiểu rằng, những chấn thương mà anh phải đối mặt, rồi sự lo lắng khiến anh sớm bị loại ngay từ vòng 2 giải Mỹ mở rộng, cũng là điều mà anh phải học hỏi để loại trừ ở trong tương lai. “Phần lớn thời gian trong mùa giải năm nay, tôi đều có thể bắt đầu chơi tốt, sau đó, tạo ra những tiến bộ và sức đẩy để tiến lên phía trước. Nhưng có những lúc tôi chậm chân bởi chấn thương, bởi sự lo lắng bình thường. Tôi phải tái khởi động bản thân để ngăn ngừa tổn hại xấu trong tương lai, đặc biệt là ở mùa giải năm sau”, Raonic bày tỏ.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục