Nếu không có suất đặc cách dự nội dung đôi tại Wimbledon năm sau nhờ thành tích vô địch đôi trẻ ở Wimbledon hồi tháng 7 vừa qua, có lẽ chưa biết bao giờ tay vợt Lý Hoàng Nam mới có thể góp mặt tại sân chơi đỉnh cao của quần vợt thế giới với tư cách tay vợt nhà nghề.
Hiện Lý Hoàng Nam đang tham gia giải F26 Futures tại Ai Cập và lọt vào vòng đấu chính (có tính điểm), đây là giải thấp nhất trong hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của Liên đoàn Quần vợt thế giới (ITF). Đây cũng là hệ thống giải mà Lý Hoàng Nam sẽ phải tham gia vào năm sau (2016) khi không còn được chọn làm hạt giống khi anh đã 19 tuổi, không được dự những giải trẻ nữa. Hệ thống Futures có đến hơn 600 giải hàng năm diễn ra trên 77 quốc gia với 2 hạng mức tiền thưởng là 10.000 và 15.000USD. Tuy nhiên, các tay vợt nếu vô địch chỉ nhận được khoảng 900USD sau thuế, việc tham gia chỉ nhằm tích lũy điểm để lọt vào tốp 1.000 trên bảng xếp hạng ATP, qua đó được quyền dự hệ thống các giải nhà nghề do Hiệp hội Quần vợt nhà nghề (ATP) quản lý mà khởi đầu là giải ATP Challenger. Từ đây để đạt đến đẳng cấp thi đấu của một Grand Slam vẫn còn đến 3 cấp thuộc hệ thống Masters Series (250, 500, 1.000) mà các VĐV phải vượt qua.
Với thứ hạng hiện nay trên bảng xếp hạng ATP là 1.319, vẫn phải dự các vòng loại ngay tại hệ thống Futures, con đường thi đấu chuyên nghiệp của Lý Hoàng Nam thật sự gian nan nếu muốn trở thành tay vợt nhà nghề, tức kiếm được tiền từ thi đấu. Hiện nay, mỗi năm Công ty Becamex phải đầu tư gần 200.000USD để Hoàng Nam dự hàng chục giải đấu nhằm tích lũy điểm. Theo tính toán, phải đến khi giành quyền dự các giải Master 1.000 thì các tay vợt mới có doanh thu từ thi đấu. Nhưng mỗi năm, hàng chục ngàn tay vợt đã giải nghệ mà chưa thể được 1 lần góp mặt tại hệ thống cao thứ nhì trong quần vợt nhà nghề thế giới.
Nói như vậy để thấy, việc Lý Hoàng Nam “đơn thân độc mã” vòng quanh thế giới thi đấu là nỗ lực vô cùng lớn của cá nhân tay vợt này cũng như đơn vị quản lý Becamex. Điều đáng tiếc là hiện nay vẫn chưa có những doanh nghiệp Việt Nam hào hứng trong việc tài trợ hoặc tham gia đầu tư cho Lý Hoàng Nam, dù cũng có không ít lời hứa sau khi tay vợt này làm rạng danh Việt Nam tại Wimbledon vừa qua. Điều này một lần nữa cho thấy cách làm thể thao chuyên nghiệp tại Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu ở khâu tài chính, tài trợ để có thể nâng tầm đẳng cấp của những tài năng đầy hứa hẹn như Hoàng Nam, Ánh Viên…
Trong năm 2015, Lý Hoàng Nam vẫn được dự giải trẻ US Open, giải Grand Slam cuối cùng trong năm. Lý Hoàng Nam xếp hạt giống số 12 nội dung đơn nam, còn tại nội dung đôi nam, anh sẽ có người đánh cặp mới là tay vợt người Nhật Bản - Akira Santillan sau khi tay vợt Ấn Độ Sumit Nagal (vừa cùng anh vô địch Wimbledon trẻ) không tham dự. |
Đăng Linh