Không phải Richard Gasquet, người đã được sơn phết như là một thần đồng, một “bảo vật” của làng quần vợt Pháp từ khi mới có… 9 tuổi, cũng không phải Jo-Wilfried Tsonga, người luôn la hét ồn ào trên sân đấu và đã từng “mon men” đến một trận chung kết Grand Slam (chung kết Australian Open 2008) và từng được kỳ vọng là sẽ dựng dậy cả làng quần vợt nam nước Pháp, càng không phải Nicolas Mahut, đương kim số 1 đôi thế giới, nhân vật đến từ đất nước hình lục lăng đang được chú ý nhất ở ATP World Tour chính là gã trai trẻ 22 tuổi quê ở Grande-Synthe Lucas Pouille – hiện đang xếp hạng 17 thế giới.
Lucas Pouille đang là tay vợt Pháp đáng chú ý nhất
Chỉ trong 1 mùa giải, Pouille từ một tay vợt vô danh hạng 78 thế giới – và có những lúc rơi ra ngoài tốp 90 – đã trở thành một nhân vật trọng yếu của làng quần vợt nam nước Pháp, được xem như là tương lai, là hy vọng của đất nước này, khi mà Gasquet, Tsonga hay cả Gael Monfils đều không thể phát triển hơn nữa vì đều đã xấp xỉ “hàng băm”. Pouille đang hưởng thụ một mùa giải huy hoàng nhất trong sự nghiệp, nơi anh đã lọt đến tận trận chung kết ở BRD Nastase Tiriac Trophy (thua Fernando Verdasco), bán kết Rome Masters (thua “chàng thợ săn” Andy Murray, người đang săn đuổi ngôi số 1 của Novak Djokovic), tứ kết Wimbledon (chỉ thua Tomas Berdych), tứ kết US Open (thua “đàn anh đồng hương” Monfils), và đăng quang ngôi vô địch Moselle Open – danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp (thắng Dominic Thiem trong trận chung kết), nơi anh đã lần lượt đánh bại David Ferrer (hạng 8 thế giới) ở vòng 3 Key Biscayne và vòng 4 Rome Masters, thắng “đàn anh đồng hương” Gasquet (hạng 9 thế giới) ở vòng 2 Monte Carlo Masters, và đặc biệt là đốn hạ Rafael Nadal (khi đó đang xếp hạng 5 thế giới sau 5 ván đấu ở vòng 4 của US Open), còn như chúng ta đã biết, anh cũng đã thắng Thiem (hạng 10 thế giới) ở chung kết giải đấu tại Metz.
Để đạt được những thành công này, Pouille đã phải có những thay đổi tích cực mang tính bản lề, cả về tư duy thi đấu lẫn cách suy nghĩ và thích nghi với áp lực. Pouille – người sẽ đấu với tay vợt giành chiến thắng trong cặp đấu giữa Pierre-Hugues Herbert (Pháp) và Feliciano Lopez (Tây Ban Nha) ở vòng 2 Paris Masters 2016 – cho biết trận thua ở Indian Wells (để thua tay vợt trẻ người Croatia – Borna Coric – ngay ở trận đấu vòng 1 chỉ sau 2 ván đấu nhanh gọn) đã đóng một vai trò then chốt cho sự tiến triển của anh trong mùa giải năm nay, nghĩa là, sau thất bại chua chát đó, anh đã phải thay đổi cách nghĩ và tư duy một cách triệt để.
“Sau thất bại trước Borna ở Indian Wells hồi đầu tháng 3, tôi đã có một nhận thức khá rõ ràng. Ở thời điểm đó, tôi có chút sa sút, tôi gặp vấn đề trong việc bước ra sân đấu và chơi bóng bằng lối chơi của mình nhưng vẫn chịu áp lực rất nhiều. Nhưng ngay sau thất bại quan trọng đó, tôi đã có một buổi thảo luận thẳng thắn với HLV của tôi (ông Emmanuel Planque, từng làm việc với Michael Llodra và Fabrice Santoro, người của Liên đoàn Quần vợt Pháp), ông ấy đã nói về những sự thật hiển nhiên. Một trong những điều đó, và cũng là điều quan trọng nhất, đó là nếu tôi giữ vững tư duy, rằng tôi bước ra sân đấu mà không cần quan tâm đến suy nghĩ của những người khác, tôi sẽ tiến thẳng về phía trước và đạt được những đích đến mà tôi mong muốn. Điều đó là hoàn toàn cần thiết, hoàn toàn thay đổi tư duy và suy nghĩ của tôi. Và tôi đã làm như vậy. Trước đây, tôi bị trói buộc quá nhiều vào việc phải làm việc theo suy nghĩ của người khác, tôi luôn suy nghĩ đến việc người ta sẽ nói thế này hay thế kia về những thất bại của tôi, về những biểu hiện của tôi trên sân đấu khi tôi chơi bóng không tốt. Tôi đã không thể xử lý với những áp lực đó và điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến phong độ thật sự của tôi”, Pouille thổ lộ bên thềm giải Paris Masters 2016, nơi anh rất được khán giả nhà kỳ vọng.
Pouille cũng đề cao sự giúp đỡ của đội ngũ hỗ trợ anh suốt thời gian qua: “Nếu chúng tôi muốn có một cơ hội để vươn đến đẳng cấp cao nhất, giành được những giải đấu lớn nhất, trở thành một phần của những điều thật vĩ đại, chúng tôi phải có một cấu trúc hỗ trợ, phải nằm trong một tập thể đoàn kết và trợ giúp nhau thật tốt. Mùa giải năm nay, xét về mặt thể lực, chúng tôi đã có cách làm việc và cải thiện hoàn toàn khác, tôi đã thuê một HLV thể lực riêng, và người ấy đã gắn bó với tôi trọn thời gian qua. Trong mùa giải năm nay, khả năng di chuyển của tôi đã trở nên tốt hơn, với nền tảng thể lực tốt hơn, tôi đã làm được những điều tốt hơn trên sân đấu. Và người tiếp theo sẽ hiện diện trong đội hỗ trợ của tôi là một chuyên gia chuyên về công tác giúp hồi phục thể lực, làm vật lý trị liệu”.
Với những thay đổi cả về mặt tư duy, suy nghĩ, với sự hỗ trợ của cả một đội ngũ chuyên nghiệp – biến Pouille trở thành một tay vợt giàu tham vọng (vì chỉ có những tay vợt ao ước làm chuyện lớn mới chấp nhận bỏ tiền thuê cả một đội hỗ trợ hùng hậu để giúp đỡ mình), Pouille đang có một tham vọng lớn, đó là thắng một danh hiệu Grand Slam vào mùa sau: “Vâng, thắng một danh hiệu Grand Slam là mục tiêu vào mỗi mùa giải. Trong mùa này, tôi đã tự tin hơn rất nhiều, tôi đã 2 lần liên tiếp lọt đến tứ kết các kỳ Grand Slam. Tôi nghĩ, với việc tập luyện tích cực hơn, đặc biệt với tình trạng thể lực, sau tất cả những gì có thể xảy ra, tôi sẽ cố không đặt ra một giới hạn cụ thể nào cho bản thân mình”.
ĐỖ HOÀNG