Lỗi ở thượng tầng?

Ở nhà cho lành!

Bóng chuyền làm khán giả ở Asian Games 2014

Như vậy, lãnh đạo Tổng cục TDTT cùng đoàn thể thao Việt Nam dự Asian Games 17-2014 đã thống nhất và chốt lại chính thức rằng môn bóng chuyền trong nhà không đăng ký góp mặt. Điều này cũng đồng nghĩa, từ nay tới cuối năm, ngoài các giải mời (dự kiến) thì các VĐV chỉ còn Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014 là đích ngắm quan trọng nhất...

Bóng chuyền Việt Nam trở thành... khán giả của Asian Games 2014

Bóng chuyền Việt Nam trở thành... khán giả của Asian Games 2014

Ở nhà cho lành!

Bóng chuyền Việt Nam không dự Asian Games 17-2014 bao gồm cả nội dung nam lẫn nữ. Lật lại lịch sử, việc không đăng ký đội tham dự không phải chuyện lạ với bóng chuyền chúng ta. Nhớ lại cách đây 4 năm, bóng chuyền chỉ đăng ký đội tuyển nam dự tranh Asian Games 16-2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc) mà không đăng ký đội nữ. Cũng ở năm đó, đội nam đấu 7 trận thua cả 7, xếp vị trí cuối cùng. Trước Quảng Châu, ở Doha (Qatar), bóng chuyền cũng chỉ đưa đội hình nữ tham dự và kết quả chúng ta đứng vị trí hạng 7/9 đội khi thua 6 trận và thắng 1.

Nói ra điều này để thấy, dường như cơ hội tại Asian Games chưa khả quan với bóng chuyền trong nhà Việt Nam. Dù thực tế, trong 2-3 năm trở lại đây tuyến đội tuyển đã có một số chuyển biến. Nhưng, nếu lấy thứ hạng ở Đông Nam Á và các giải quốc tế mời ra để làm cán cân nhận định cơ hội thì chắc chắn người trong giới đều hiểu, chúng ta vẫn chưa tới tầm châu Á. Thêm một lẽ, bóng chuyền ở kỳ chuẩn bị cho Asian Games 17-2014 được Tổng cục TDTT yêu cầu để Liên đoàn chi trả chi phí (nếu có tham dự Asian Games). Đó là hình thức xã hội hóa giảm tải chi phí với các môn xét thấy khó đạt thành tích cao tại Asian Games. Chuyện cũng hợp lý.

Tuy nhiên, rất có thể, những người làm bóng chuyền quốc nội hoặc chí ít là cầu thủ ở tuyến đội tuyển không khỏi ấm ức. Bởi lẽ, bóng chuyền cùng với bóng đá đang là 2 trong số các môn có tổ chức xã hội quản lý là Liên đoàn rất mạnh về tài chính. Nguồn tài chính ổn định trong vài năm gần đây nhưng sự phát triển hơn về chuyên môn vẫn chưa có tín hiệu sáng sủa.

Không được dự Asian Games, xét về chuyên môn là bước thụt lùi vì cầu thủ và đội tuyển mất cơ hội cọ xát, tiếp cận đối thủ mạnh ở khu vực. Xét về quản lý và tài chính, nó lại hợp “lỗ tai” vì không ai chi kinh phí ra chỉ để tới Hàn Quốc chứng kiến kết quả… thua đã được dự báo trước.

Tương lai ở đâu?

Mục tiêu mà Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam hướng tới cho đội tuyển nữ ở các năm tới là tiếp cận hạng 6 châu Á. Nói để thực hiện ngay được là khó. Tất cả phải theo lộ trình đi từ tuyến trẻ cho tới tuyến một vì mục tiêu lâu dài. Dẫu vậy, ai cũng hiểu, thước đo giá trị nhất của bóng chuyền thi đấu đỉnh cao một phần là giành thành tích tại các Đại hội.

Tới giờ, chúng ta chưa một lần chạm được vào màu vàng huy chương ở khu vực Đông Nam Á, tại đấu trường SEA Games. Xa hơn một chút, với đấu trường châu Á, nay đăng ký dự Asian Games mai lại không đăng ký nên nhiều khi có cảm giác thiếu quyết tâm hướng tới mục tiêu xa.

Câu chuyện dự Asian Games 17-2014 cũng có thể khác nếu Việt Nam sẽ là chủ nhà của Asian Games 18-2019. Tất cả đều đã được quyết định. Vậy là, mục tiêu còn lại của các cầu thủ sẽ là Đại hội TDTT toàn quốc lần 7-2014. Còn nhớ, đội bóng chuyền nam dự Asian Games 16-2010 ít nhiều bị phản ánh do đội hình năm đó triệu tập phần lớn là cầu thủ bóng chuyền thuộc thể thao Quân đội. Ngay sau khi dự Asian Games về, họ là nòng cốt thi đấu giúp đội nam Quân đội vô địch bóng chuyền tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 6-2010.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục