Lẽ ra tôi chẳng ở đây

“Nếu mọi thứ tốt đẹp thì tôi ở đây làm gì. Vì thế, các cầu thủ phải tự nhìn vào gương để xem lại mình. Về lý thuyết, mục tiêu tốp 4 vẫn có thể thực hiện được nhưng giải Ngoại hạng Anh bây giờ khác khi tôi còn ở đây hồi năm 2009. Bây giờ, đội bóng nào cũng có thể “giết” bạn được cả”. Tân HLV của Chelsea đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ đến các cầu thủ trước trận đấu với Watford.

Chelsea trước trận đầu tiên của Guus Hiddink

“Nếu mọi thứ tốt đẹp thì tôi ở đây làm gì. Vì thế, các cầu thủ phải tự nhìn vào gương để xem lại mình. Về lý thuyết, mục tiêu tốp 4 vẫn có thể thực hiện được nhưng giải Ngoại hạng Anh bây giờ khác khi tôi còn ở đây hồi năm 2009. Bây giờ, đội bóng nào cũng có thể “giết” bạn được cả”. Tân HLV của Chelsea đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ đến các cầu thủ trước trận đấu với Watford.

HLV Guus Hiddink.

Tin cho biết bầu không khí trên sân tập của Chelsea những ngày đầu có Hiddink khá lạc quan. Cũng phải thôi, họ vừa có chiến thắng đầu tiên sau 3 trận tại giải ngoại hạng. Họ không còn HLV luôn gây sức ép cho cầu thủ, thay vào đó là một người “chẳng có gì để mất”. Và quan trọng hơn, hoàn cảnh của Chelsea bây giờ cứ đá tốt một chút đã là… tốt lắm rồi. Tầm cỡ như Chelsea mà hiện nay chỉ cần tính từng trận một để đá thì quá đơn giản.

Nhưng rõ ràng là Guus Hiddink khá thực tế khi đánh giá về tình hình. Nhiệm vụ của ông là vực dậy đội bóng nhưng ông cũng dư sức biết, nếu từng cầu thủ Chelsea thể hiện đúng năng lực của mình, chẳng cần phải "vô đối" như mùa trước, thì làm gì có chuyện Chelsea đang đứng hạng 15, thua đến 9 trận sau 16 trận. Người ta không nghe Hiddink nói gì về Mourinho, đơn giản là dù Mou có mắc sai lầm như thế nào đi nữa, Chelsea cũng chẳng tệ đến mức này nếu các cầu thủ chịu đá.

***
"Cuộc chiến phòng thay đồ", “Mourinho đã đánh mất những cầu thủ của mình”, “sự phản bội”… là những từ mà người ta dùng để nói về sự kém cỏi của Chelsea và điều đó, vô tình lấn át các yếu tố chuyên môn.
Thực tế thì Mourinho đã hy sinh rất nhiều cá tính, phương pháp làm việc đã đưa ông trở thành một trong những HLV vĩ đại nhất lịch sử, hòng cứu vãn tình hình của Chelsea. Ông ta lộ rõ sự lệ thuộc vào một số trụ cột, thay đổi đội hình liên tục, thiếu kiên quyết trong việc trừng phạt vài vị trí kém cỏi… Đấy không phải là Mourinho như nhiều người biết. Thế nhưng, bất chấp tất cả, Chelsea vẫn cứ lao dốc. Thế nên, cần phải nói đến những giới hạn chuyên môn để thấy lần giải cứu Chelsea thứ 2 của Hiddink cam go hơn nhiều.
Thứ nhất, đó là “tái sinh” Eden Hazard, cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải trước nhưng cực kỳ mờ nhạt trên mọi phương diện ở mùa này. Muốn Hazard chơi hay, Chelsea buộc phải mua thêm tiền đạo ở kỳ chuyển nhượng mùa đông để chia sẻ gánh nặng trên hàng tấn công. Thứ hai, ông Hiddink còn phải khôi phục vai trò thủ lĩnh của John Terry, người im lặng bất ngờ trong cuộc khủng hoảng Mourinho vừa qua. Nhìn chung, việc tái thiết Chelsea của Guus Hiddink chủ yếu tập trung vào chỉnh sửa lại những bộ phận hoen gỉ trong cỗ máy đã đánh mất bản năng chiến thắng.

***
So với hồi năm 2009, Hiddink có nhiều thời gian hơn nhưng như ông nói, mức độ khó khăn bây giờ lớn hơn nhiều. Hãy nhìn Liverpool sẽ rõ, những kết quả kém cỏi gần nhất phản ảnh một thực tế: Sự cải thiện của đội bóng không thể theo kịp mức độ khắc nghiệt của giải ngoại hạng.

Mới đến vòng 17, Man.City đã thua trận thứ 5, Arsenal cũng thua 3 trận trong khi những Leicester hay Tottenham, Everton, West Ham cũng chỉ mới để thua 1-4 trận. Số lượng các đội bóng “khó chơi” ngày một nhiều hơn. Gần hết lượt đi, nhưng số trận thắng của các đội đứng đầu hiện chỉ mới 10-11 trận trong khi trung bình các đội trong tốp 4 của những mùa trước thường thắng đến 24-27 trận vào cuối giải. Điều này cho thấy, việc tìm thêm 15 trận thắng nữa để có thể vào tốp 4 của Chelsea là thử thách bất khả thi với Guus Hiddink kể cả khi những cầu thủ trở lại với phong độ thật của mình.

Đăng Linh   
 

Tin cùng chuyên mục