Nhiều người không thấy ngạc nhiên khi lãnh đạo Tổng cục TDTT mới đây nói thẳng rằng nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên “đã tới ngưỡng” và chỉ còn phù hợp với mục tiêu tranh đoạt huy chương ở khu vực, thay vì kỳ vọng thêm vào cô ở những đấu trường đẳng cấp hơn. Có nghĩa, khoản kinh phí khoảng 180.000 USD mỗi năm (chưa tính 40% khác từ ngành thể thao Quân đội) đầu tư cho Ánh Viên sang Mỹ tập huấn kể từ nay đổi lại sẽ nhận được từ 7-8 tấm HCV SEA Games? Hay đấy là cách nói phủ nhận công sức của VĐV từ những người tự cho mình là định hướng chiến lược phát triển của thể thao nước nhà?
Thực ra, với ngần ấy tiền đầu tư và cách làm giao toàn quyền quyết định mọi vấn đề cho HLV Đặng Anh Tuấn thì kết quả thu về như vậy vẫn còn… may mắn chán. Ánh Viên cần nhiều yếu tố quan trọng khác để phát triển vượt tầm, chứ không chỉ đơn thuần chạm đến ngưỡng châu lục rồi có dấu hiệu đi xuống như bây giờ.
Tiếc là trong câu chuyện đầu tư cho Ánh Viên, giới chức bơi lội và kể cả Tổng cục TDTT không thể hiện được vai trò đồng hành và giám sát của mình, ngoại trừ việc duyệt kế hoạch và chi tiền cho thầy trò họ sang Mỹ. Nên khi xảy ra sự cố, ngành TDTT loay hoay không thể điều chỉnh được chiến lược đầu tư cho đúng hướng.
Đấy không phải là trường hợp duy nhất. Bơi lội trước khi xuất hiện niềm hy vọng Nguyễn Thị Ánh Viên, từng có Hoàng Quý Phước, Trần Duy Khôi, Lâm Quang Nhật… và đều được đánh giá là tài năng đặc biệt, sẽ tạo nên những màn đột phá ngoạn mục vào các đấu trường châu Á, thế giới nếu được đầu tư đến nơi đến chốn.
Tuy nhiên, những tài năng ấy ngày càng mai một trình độ, người thì bỏ ngang để học, còn người thì gắng gượng tập luyện để duy trì phong độ ở khu vực. Không ai trong số họ còn được định hướng thực sự cho các giải đấu quốc tế tưởng đã ở rất gần với bơi lội Việt Nam nữa, cho đến khi kình ngư Nguyễn Huy Hoàng bật lên như một chàng Thánh Gióng, dù VĐV 19 tuổi này chưa từng có chuyến tập huấn nước ngoài nào.
Giới bơi lội thậm chí còn băn khoăn về chuyện của nữ kình ngư Nguyễn Diệp Phương Trâm, gương mặt từng được nhận định sẽ phát triển rực rỡ hơn cả đàn chị Ánh Viên sau thời điểm ngành TDTT TPHCM bắt tay với nhà tài trợ Nutifood xây dựng chiến lược đầu tư cho VĐV này lên đến 9 năm với nguồn kinh phí tốn gần 1 triệu USD.
Đáng tiếc, Phương Trâm dù mới 18 tuổi nhưng giờ đây lại khép mình lại, tập huấn trong nước cùng HLV Nguyễn Việt Nam và cố gắng quên đi giai đoạn phát triển phức tạp nhất trong sự nghiệp bơi lội của mình. VĐV này thừa nhận có lúc cô từng muốn giải nghệ vì chán chường và tâm lý quá nặng nề, nhưng may có người thầy thấu hiểu học trò luôn sát cánh và động viên cô nỗ lực tập luyện và tiếp tục đóng góp cho bơi lội nước nhà.
Theo tìm hiểu, nhà tài trợ Nutifood vẫn tôn trọng thoả thuận, cho biết sẵn sàng đầu tư kinh phí cho Phương Trâm đi nước ngoài tập huấn tiếp, không ở Mỹ thì ở quốc gia khác cũng mạnh về bơi lội. Đơn vị này tôn trọng quyền quyết định của ngành TDTT thành phố và cả gia đình cũng như bản thân của VĐV. Nhưng không hiểu sao chuyện đầu tư cho Phương Trâm chưa từng được khơi gợi lại kể từ sau vụ khúc mắc với HLV Võ Thị Mỹ Trang vài năm trước, đồng thời đơn vị từng được giao quản lý trực tiếp là CLB bơi lặn Phú Thọ cũng chẳng có động thái gì rõ ràng để giúp VĐV (!?).