Làm mới

Chuyện cầu thủ Huy Hoàng “say rượu” vẫn đang hứng nhiều búa rìu dư luận. Cách biện bạch vụng về của những người có liên quan càng làm tăng thêm điều tiếng thị phi. Xem ra, không chỉ với bóng đá, nói sự thật vẫn chưa thể là một thói quen bình thường ở xứ ta.

Chuyện cầu thủ Huy Hoàng “say rượu” vẫn đang hứng nhiều búa rìu dư luận. Cách biện bạch vụng về của những người có liên quan càng làm tăng thêm điều tiếng thị phi. Xem ra, không chỉ với bóng đá, nói sự thật vẫn chưa thể là một thói quen bình thường ở xứ ta.

Nhưng kéo theo sự việc đáng xấu hổ của một cựu tuyển thủ quốc gia, công chúng lại có cơ hội thấy rõ nhiều thói hư tật xấu của hàng loạt cầu thủ khác. Chơi thuốc lắc, ma túy: chuyện thường ngày sau giờ thi đấu ở nhiều câu lạc bộ. Ăn nhậu xả láng, phá sức: không có gì lạ. Quan hệ với gái mại dâm bừa bãi: đâu mà chả thế. Cá độ, móc nối làm sai lệch kết quả thi đấu: “đâu chỉ mình em”…

Việc bóc mẽ giới cầu thủ không phải là một phát hiện gì ghê gớm. Bởi lẽ, lâu nay những thông tin kiểu ấy đã bị xì xào. Tuy vậy, giới truyền thông chưa “đụng chuyện” như ở tầm Huy Hoàng mà xì ra trên diện rộng, với chiều sâu.

Việc cầu thủ hư bị lên án là điều bình thường. Làm chuyện gì, ắt phải trả giá tương xứng với chuyện ấy. Thế nhưng, nếu chỉ trút mọi bức xúc lưu cữu lên đầu giới quần đùi áo số, hẳn là cực đoan và cũng chẳng công bằng.

Để ăn chơi, sinh hư, cầu thủ phải có nhiều tiền. Tiền ấy có được từ lót tay khi chuyển nhượng, từ khoản lương - thưởng cao hơn nhiều so với thu nhập chung ngoài xã hội. Và tiền có thể đến từ những nguồn khác bất minh, nếu cầu thủ nhúng chàm chưa bị phát giác.

Cầu thủ không thể tự trả lót tay, lương thưởng cho mình. Các ông chủ câu lạc bộ khơi ra dòng chảy mạnh của những khoản tiền ấy. Trong một nền bóng đá nhiều vùng tối, bóng đá lắm khi là công cụ cho những vụ áp phe. Lấy câu lạc bộ bóng đá để đổi đất, lợi thế kinh doanh hay quảng bá thương hiệu… trong một thời gian dài đã mang lại những khoản thu màu mỡ cho ông chủ.

Nếu tiền vào dễ dàng và không minh bạch, khoản chi mua câu lạc bộ, lương thưởng cầu thủ chỉ là tiền lẻ. Ông chủ lại chi ra một khoản lẻ khác để mua những lợi thế bằng quan hệ ở tầm cao hơn câu lạc bộ. Chỉ riêng ở góc độ này, quan hệ trong làng bóng Việt Nam đã nhằng nhịt khó lường. Sự ọp ẹp của tuyển quốc gia có cái nền nhếch nhác từ câu lạc bộ.

Cầu thủ ăn chơi không thể giữ kín mãi. Và những khoản tiền có “mùi lạ” chảy vào bóng đá cũng sẽ bị làm rõ, phanh phui. Không có gì ngạc nhiên, khi đòi hỏi minh bạch trong quản lý xã hội và kiểm soát kinh doanh tăng lên, bóng đá lại bỗng dưng sắp rơi vào thời kỳ thiếu tiền mặt.

Sẽ là điều may, nếu sắp tới các khuất tất trong dòng tiền đầu tư cho các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam được làm lộ sáng. Không có tiền thì không thể làm bóng đá, nhưng tiền ấy phải sạch. Ông chủ sạch, câu lạc bộ sạch mới hy vọng có và giữ cầu thủ sạch.

Ở tầm liên đoàn bóng đá quốc gia, cần dứt khoát rằng không thể cứ lần khân với những vá víu mang tính vụ lợi ngắn hạn. Nhà dột từ nóc, trong nhiều nhiệm kỳ, căn nhà VFF đã dột nát tứ tung nhưng chưa bao giờ được đại tu. Những tiêu cực đã, đang và sẽ vỡ lở trong làng bóng chính là cơ hội để thấy rõ, cải tổ và làm sạch chính nó.

Đây là lúc có thái độ dứt khoát với các vùng tối, tiêu cực. Từ đó, mới có thể làm mới nền bóng đá.

Vũ Bách

Tin cùng chuyên mục