Thành tích khá kém của kỷ lục gia nội dung 400m Nguyễn Thị Huyền tại giải điền kinh thế giới đang diễn ra tại Trung Quốc không nằm ngoài dự báo, bởi sau một số vụ việc liên quan như bất đồng với HLV và xao nhãng trong tập luyện thì thật khó đạt phong độ tốt nhất. Điều đáng nói là các yếu tố tác động ấy lại đến từ thành công của Nguyễn Thị Huyền tại SEA Games 28. Giới truyền thông lao vào khai thác đời tư theo kiểu “kể khổ” (mặc dù đây chính là nguồn động lực thành công), những tình tiết về hoàn cảnh gia đình đến mối quan hệ cá nhân cũng được khai thác. Nguyễn Thị Huyền cũng tham gia nhiều chương trình truyền hình, các hoạt động xã hội, cộng với chấn thương khiến “cô gái vàng” không ở phong độ cao.
Điền kinh, bơi lội hay các môn thi đấu chuyên nghiệp là những môn thể thao mà các VĐV luôn phải tìm cách vượt lên chính mình. Ngay cả đạt được 2 chuẩn dự Olympic 2016 thì Nguyễn Thị Huyền vẫn phải tiếp tục cải thiện phong độ, bởi thành tích của cô vẫn còn khá xa so với thế giới. Cũng thành công như Huyền tại SEA Games 28, Nguyễn Thị Ánh Viên hiện vẫn đang miệt mài tập luyện và thi đấu để tiệm cận đến tốp 10 thế giới, điều này cũng khiến Ánh Viên phải vắng mặt ở nhiều sự kiện tôn vinh được tổ chức trong nước mà cô xứng đáng có mặt. Thiệt thòi đó đã được đổi bằng những chiếc huy chương lịch sử tại cúp bơi lội thế giới ở Nga vừa qua.
Như đã từng đề cập, rất nhiều VĐV tài năng của Việt Nam vừa đạt được thành công lớn đã nhanh chóng đánh mất năng lực chỉ vì được tung hô quá nhiều. Thế nên, sự tung hô quá đà có thể tạo ra tác dụng ngược, bởi nhiệm vụ chính của các VĐV vẫn là nỗ lực tập luyện và thi đấu, sự tác động hay các đóng góp thiết thực của họ đến xã hội nằm ở chính thành công trên đấu trường quốc tế chứ không phải là số lần họ xuất hiện trước công chúng để nói về mình.
YẾN PHƯƠNG