Lách luật tìm lợi thế

Bóng chuyền Việt Nam đã kết thúc câu chuyện cho VĐV ngoại tham gia thi đấu tại giải VĐQG. Tuy nhiên, VĐV ngoại vẫn có thể thi đấu nếu họ được nhập tịch để trở thành cầu thủ Việt Nam. Bóng chuyền Ninh Bình là một trong những đơn vị đầu tiên... lách luật như vậy.

Thời điểm hiện tại, trường hợp cầu thủ mới nhất đang tìm cơ hội để là... người Việt Nam là chủ công Kitsada (Thái Lan). Điểm đến của chủ công này vẫn là Ninh Bình. Theo tìm hiểu, đơn vị này gần như hoàn tất các thủ tục về tư pháp để xin nhập tịch cho cầu thủ này. Được biết, bóng chuyền Ninh Bình rất chờ đợi Kitsada được nhập tịch Việt Nam để thành công sớm nhất, qua đó sẽ góp mặt tại vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG 2016. Về năng lực chuyên môn, mọi người đều biết chủ công sinh năm 1990 này là một trong những tay đập có trình độ cao của bóng chuyền Thái Lan và thường xuyên góp mặt ở đội tuyển bóng chuyền nam Thái Lan. Do đó, CLB Tràng An Ninh Bình (đại diện của bóng chuyền nam Ninh Bình) thật sự muốn tận dụng năng lực ngoại binh ở đội hình để đạt kết quả tốt nhất.

Chủ công nhập tịch Lê Kim Nhung từng giúp CLB Vietso Petro đạt được những kết quả đáng kể

Trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam, Ninh Bình là đơn vị đầu tiên thực hiện chiêu... nhập tịch VĐV ngoại để người đó được tính là cầu thủ nội Việt Nam tham gia đội hình. Họ đã nhập tịch cho cựu phụ công Supachai (tên tiếng Việt là Đinh Hoàng Trai). Khi có cựu đội trưởng tuyển bóng chuyền nam Thái Lan tham gia (trong thời điểm bóng chuyền Việt Nam vẫn cho 1 VĐV ngoại được ra sân thi đấu), một điều khó tránh là đội hình nam Tràng An Ninh Bình thường có 2 tay đập ngoại binh. Vì vậy, ít nhiều đội bóng này lợi thế hơn CLB khác. Sau Đinh Hoàng Trai, bóng chuyền Dầu khí (trước đây) đã nhập tịch cho 2 chủ công Irina (tên Việt là Lê Kim Nhung) và Katya (tên Việt là Vũ Maika). Ít nhiều, các chủ công này đạt được thành tích cùng đội bóng chủ quản. Tuy nhiên, dấu ấn của họ thật sự không quá mạnh mẽ để những đội bóng mà họ từng góp mặt đạt được chức VĐQG. Bóng chuyền nữ Long An từng đưa trường hợp chủ công người quốc đảo Fiji là Anasenni nhập tịch Việt Nam. Dù vậy, cuối cùng, tay đập cao tới 1m91 này vẫn chưa là người Việt Nam do vướng các thủ tục.

Giống bóng đá, bóng chuyền (theo từng CLB) vẫn phải đảm bảo thành tích thi đấu đúng mục tiêu đề ra. Do đó, mỗi định hướng ở từng đội bóng phải phụ thuộc vào cầu thủ quan trọng. Việc nhập tịch VĐV ngoại của họ âu cũng vì kết quả chuyên môn sao cho có kết quả hiệu quả nhất.

Vũ Mai Ka (phải, người Nga) cũng được nhập quốc tịch Việt Nam. Ảnh: T.L.

o 0 o

Sau khi được nhập tịch, Đinh Hoàng Trai có đóng góp ít nhiều cho CLB Tràng An Ninh Bình. Thực tế, các ngoại binh của bóng chuyền lúc có quốc tịch Việt Nam thì họ chỉ xuất hiện theo thời vụ đúng lúc thi đấu giải VĐQG. Ngoài thời gian trên, gần như cầu thủ không có mặt trong đội hình tập luyện cùng mọi người. Do vậy, thực tế nội bộ những CLB từng có cầu thủ nhập tích xảy ra không ít chuyện ganh tị giữa cầu thủ nội chính gốc với người nhập tịch góp mặt thi đấu ngắn hạn.

Vũ Maika đã là gương mặt “hot” sau khi đội bóng chủ quản Vietsov Petro giải thể. Nhiều đội bóng đã mời chủ công này tham gia thử việc như NH Công Thương, Tiến Nông Thanh Hóa và Hòa Phát Hưng Yên (cũ). Một điểm khó là cầu thủ này có yêu sách riêng rằng phải đảm bảo thời gian riêng cho mình vì có bạn trai cũng ở Việt Nam. Cuối cùng, chỉ Hòa Phát Hưng Yên đáp ứng được nên Vũ Maika tham gia đội hình CLB trên. Tuy thế, cô không để lại dấu ấn thực tế và đội bóng trên thi đấu thất bại trước khi giải thể.

Kitsada có nhập tịch thành công hay không thì bóng chuyền Ninh Bình vẫn đang chờ. Nếu có quốc tịch Việt Nam, rõ ràng, cầu thủ này tạo một lợi thế cho CLB để tranh đua vị trí cao nhất ở vòng 2 giải VĐQG 2016. Kitsada từng góp mặt ở các đội hình Tập đoàn Dầu khí VN (trước đây) và Sanest Khánh Hòa. Dù vậy, nhiều HLV của bóng chuyền nam cho biết vẫn có phương án hóa giải chủ công người Thái Lan. “Tôi được biết bóng chuyền Ninh Bình rất nỗ lực muốn Kitsada tham gia đội hình ở vòng 2 tới nếu được nhập tịch thành công. Nếu có cầu thủ này, giải đấu có thêm sự cạnh tranh chuyên môn đáng kể...”, chuyên gia bóng chuyền Trần Văn Thư đã chia sẻ. Gì thì gì, đây vẫn là một cách lách luật... phù hợp để đội bóng không mang tiếng thuê VĐV ngoại mà vẫn có cầu thủ mạnh thi đấu.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục