Người dân các nước Brazil, Nga, Nhật Bản, Anh, Tây Ban Nha… từng phản ứng rất gay gắt trước các khoản chi tiêu khổng lồ của chính phủ cho Thế vận hội (mùa hè và mùa đông) và cho rằng như thế là “ném tiền qua cửa sổ”.
Cho nên, tính đến hiện tại, những kỳ Thế vận hội vượt ngân sách nhiều nhất đang thuộc về Bắc Kinh 2022 (mùa đông, 8,3 tỷ USD), Sochi 2014 (mùa đông, 28,9 tỷ USD), Rio de Janeiro 2016 (mùa hè, 23,6 tỷ USD)…
Theo giới quan sát, vấn đề chi tiêu vượt ngân sách của Olympic Paris 2024 không là gì so với Barcelona và Rio de Janeiro khi tổ chức các kỳ Olympic 1992 (11,6 tỷ USD, vượt quá ngân sách 266%) và 2016 (23,6 tỷ USD, vượt quá ngân sách 352%). Nhưng tất cả vẫn chưa thể so với con số chi phí lên đến 28,9 tỷ USD mà Sochi (Nga) đã bỏ ra để tổ chức Olympic mùa đông 2014 (vượt chi 289%).
Trở lại với Olympic Paris 2024, nước Pháp đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, theo thống kê của CNBC, là nhờ vào hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có ở Paris.
Công trình duy nhất mà Paris phải xây dựng mới để phục vụ Olympic là Trung tâm thể thao dưới nước tại thành phố Saint Denis, nhưng chỉ tốn 200 triệu USD. Trong khi, các nhà thi đấu, trung tâm thể thao, sân vận động… được trưng dụng đều đang hoạt động hiệu quả.
Có thể thấy, nước Pháp vốn quen với việc tổ chức nhiều sự kiện thể thao hàng đầu thế giới như World Cup, Euro, quần vợt Roland Garros… nên các công trình phục vụ tranh tài luôn được bảo dưỡng và nâng cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế, hoàn toàn phù hợp khi đưa vào sử dụng tại Olympic Paris 2024.
Bên cạnh đó, Pháp tối đa hóa việc sử dụng hệ thống giao thông công cộng hiện có để giúp tiết kiệm chi phí lớn mà nhiều quốc gia trước đây chưa làm được triệt để. Điển hình như tại Olympic Rio de Janeiro 2016, Chính phủ Brazil bắt buộc phải mở rộng một tuyến tàu điện ngầm để kết nối các trung tâm du lịch với các trung tâm thi đấu, tiêu tốn đến gần 4 tỷ USD.
Tất nhiên, tất cả những con số vượt chi ngân sách nói trên chỉ mang tính chất tham khảo, bởi qua mỗi kỳ Olympic, số lượng các nội dung thi đấu đã tăng thêm, chi phí dịch vụ cao hơn, trang thiết bị tốn kém hơn… Hơn nữa, mỗi sự kiện lại có các cách thức tổ chức khác nhau, ví dụ như Olympic Paris 2024 được tổ chức hướng tới mục tiêu tối đa hóa sự bền vững và bảo vệ môi trường.
Theo các chuyên gia kinh tế châu Âu, nước Pháp dự kiến sẽ thu về khoảng từ 10-12 tỷ USD từ nay cho đến năm 2034, nhờ vào dư âm của các sự kiện thể thao lớn như Euro và Olympic. Có thể nhận thấy, bản quyền phát sóng truyền hình Olympic thường chiếm khoảng 60% doanh thu của nhà tổ chức, ở đây là Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
Tại Olympic Paris 2024, IOC thu được 3,3 tỷ USD tiền bản quyền phát sóng truyền hình và phát trực tuyến trên các nền tảng internet, tăng 6% so với Olympic Tokyo 2020. Theo hãng nghiên cứu thị trường Ampere Analysis, IOC gần như đã đạt được mục tiêu 1,34 tỷ USD doanh thu tài trợ trước lễ khai mạc, tăng 60% so với kỳ Olympic trước.