Để quần vợt quay về lại mái nhà Olympic là cả một quá trình kể từ Olympic Los Angeles 1984. Dù vậy, ở Los Angeles hồi đó, quần vợt vẫn chỉ được giới thiệu như là một môn thể thao biểu diễn (thành tích thi đấu không tính vào bảng tổng sắp huy chương) dành cho các tay vợt… dưới 20 tuổi. Hai danh hiệu vô địch thời đó thuộc về Stefan Edberg và Steffi Graf…
Bắc Kinh - gia tăng thanh thế
Quần vợt ở Olympic Bắc Kinh 2008 được chú ý rất nhiều. Một phần nhờ vào nỗ lực của ITF trong việc hợp tác với ATP và WTA, phần khác nhờ vào chuyện các tay vợt bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận. Sau khi thắng quá nhiều danh hiệu Grand Slam đình đám, giành rất nhiều tiền thưởng, với xu thế hội nhập hóa toàn cầu, những tay vợt lớn bắt đầu nhận thức được rằng hình ảnh của họ sẽ được quảng bá rộng ra thế giới hơn nữa nếu… trong tay của họ có thêm tấm HCV Olympic. Ở Bắc Kinh, cả 3 tay vợt hàng đầu là Roger Federer, Rafael Nadal và Novak Djokovic đều quyết tâm giành chiến thắng, tìm kiếm vinh quang không chỉ cho riêng cá nhân, mà còn vì niềm tự hào dân tộc!
Đối với Federer, anh muốn chứng minh những thất bại trước đó trước Nadal và việc mất ngôi số 1 thế giới chỉ là “tai nạn”. Ngoài ra, việc thất bại sớm ở Olympic Athens 4 năm trước càng khiến cho tay vợt người Thụy Sĩ gia tăng khát khao. Trong khi đó, cả Nadal lẫn Djokovic đều có những toan tính riêng. Nadal muốn giành thêm một danh hiệu lớn khác sau khi doạt danh hiệu Wimbledon đầu tay, để chứng minh cho cả thế giới thấy rằng anh không chỉ là “Vua sân đất nện” đơn thuần. Ngược lại, đối với Djokovic, dù lúc này tay vợt người Serbia chưa gặt hái được nhiều thành công ngoại trừ danh hiệu Australian Open, anh vẫn luôn cháy bỏng ý nguyện được chiến đấu ít nhất một lần cho đất nước Serbia.
|
Chắc chắn, việc bị loại ở tứ kết Olympic Bắc Kinh 2008 là một cú sốc đối với Federer. Nếu sau đó, anh không cùng đồng đội Stanislas Wawrinka giành HCV ở nội dung đôi nam, hẳn anh đã suy sụp và sự nghiệp có thể sẽ rẽ sang một hướng mới, không đầy ắp thành công như bây giờ.
Nếu ai có cơ hội xem buổi lễ trao giải nội dung đôi nam môn quần vợt ở Olympic Bắc Kinh, thì sẽ nhìn thấy sự vui sướng đến không ngờ của Fed - như thể đây là một danh hiệu… rất lớn. Đó là niềm vui lớn của Fed sau khi trải qua một mùa giải buồn nhất kể từ năm 2003. Djokovic cũng thể hiện sư vui mừng dù chỉ đoạt HCĐ (danh vị mà ở các giải đấu quần vợt bình thường đều… không có - các giải quần vợt bình thường chỉ có phân định ngôi vô địch và á quân, nếu tay vợt bị loại ở bán kết thì vẫn không có trận tranh hạng 3): “Đối với tôi, tấm huy chương Olympic màu nào cũng đều có giá trị. HCĐ cũng là một thành công”.
Còn với Nadal, anh đã đánh giá rất cao uy tín của tấm HCV: “Giành HCV ở Olympic đem lại cho tôi thứ cảm xúc đặc biệt hơn một chút so với cảm giác thắng danh hiệu Grand Slam. Vì tôi biết dù Grand Slam lớn hơn, nhưng cơ hội thắng Olympic thì 4 năm mới có 1 lần. Thêm nữa, vấn đề là khi giành HCV ở đây, tôi cảm giác như đó là chiến thắng cho cả đất nước, đó là chiến thắng cho rất nhiều người Tây Ban Nha chứ không chỉ là chiến thắng… cho cá nhân tôi”.
Đỗ Hoàng
| |
| |