Quần vợt và Olympic: Nhớ lại, suy nghĩ

Kỳ 2: Từ Barcelona đến Athens…

Để quần vợt quay về lại mái nhà Olympic là cả một quá trình kể từ Olympic Los Angeles 1984. Dù vậy, ở Los Angeles hồi đó, quần vợt vẫn chỉ được giới thiệu như là một môn thể thao biểu diễn (thành tích thi đấu không tính vào bảng tổng sắp huy chương) dành cho các tay vợt… dưới 20 tuổi. Hai danh hiệu vô địch thời đó thuộc về Stefan Edberg và Steffi Graf…
Kỳ 2: Từ Barcelona đến Athens…

Để quần vợt quay về lại mái nhà Olympic là cả một quá trình kể từ Olympic Los Angeles 1984. Dù vậy, ở Los Angeles hồi đó, quần vợt vẫn chỉ được giới thiệu như là một môn thể thao biểu diễn (thành tích thi đấu không tính vào bảng tổng sắp huy chương) dành cho các tay vợt… dưới 20 tuổi. Hai danh hiệu vô địch thời đó thuộc về Stefan Edberg và Steffi Graf…

Barcelona - dấu ấn tuổi 16 của Capriati

Không như Seoul 1988, môn quần vợt ở Barcelona 1992 thu hút được nhiều ngôi sao như: Jim Courier, Stefan Edberg, Pete Sampras, Goran Ivanisevic, Boris Becker, Guy Forget. Michael Chang, Michael Stich… ở giải nam; và Steffi Graf (ĐKVĐ), Arantxa Sanchez Vicaro, Mary Jo Fernandez, Jana Novotna, Mary Pierce… ở giải nữ.

Tuy nhiên, với tinh thần “vui là chính”, nhiều tay vợt chuyên nghiệp xem kỳ Olympic ở Tây Ban Nha chủ như là “một chuyến dạo chơi”, vì vậy, cách họ thi đấu cũng rất hời hợt. Hàng loạt hảo thủ bị loại từ rất sớm, đặc biệt là các tay vợt nam như Edberg (vòng 1), Chang, Forget và Stich (đều ở vòng 2; Courier, Sampras và Becker (đều ở vòng 3)…

Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi tay vợt kém danh Marc Rosset (Thụy Sĩ) đã giành HCV lúc đang xếp hạng ngoài… Top 40. Điểm nhấn của quần vợt ở Barcelona, chỉ có thể là việc “hiện tượng” Jennifer Capriati giành danh hiệu lớn đầu tiên khi mới… 16 tuổi. Capriati đã thành danh từ 2 năm trước, khi cô chuyển sang chơi chuyên nghiệp từ năm 1990 và sớm lọt vào Top 8 thế giới khi mùa giải kết thúc. Nhưng Olympic tại Barcelona thật sự là giai đoạn thăng hoa của cô khi lần lượt hạ Anke Huber (Đức) ở tứ kết, thắng Sanchez Vicaro ở bán kết và đả bại ĐKVĐ Graf ở chung kết. Gần 9 năm sau khi giành HCV Olympic tại Barcelona, Capriati mới “thật sự trưởng thành” với ngôi vô địch Australian Open và Roland Garros trong cùng năm 2001 (cô còn thắng danh hiệu Australian Open 2002). Barcelona là một nơi đáng nhớ của Capriati.

Andre Agassi (giữa) trên bục nhận HCV ở nội dung đơn nam tại Atlanta 1996

Andre Agassi (giữa) trên bục nhận HCV ở nội dung đơn nam tại Atlanta 1996

Atlanta - nơi Agassi chuộc lại lỗi lầm

Andre Agassi từng tỏ ra tiếc nuối khi không tham dự Seoul 1988 và bỏ qua cơ hội thắng HCV ở đây. Nhưng tại Olympic Atlanta 1996 diễn ra trên sân nhà, Mỹ, Agassi đã có cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình. Huyền thoại quần vợt của nước Mỹ đã giành HCV ở Atlanta ở giải đấu mà quần vợt lại đang có dấu hiệu đi xuống vì rất nhiều ngôi sao vắng mặt. Dù vậy, điều đó vẫn không thể ngăn cản sự phấn khích của anh - chiếc HCV ở Atlanta biến Agassi trở thành tay vợt thứ 2 (sau… vợ anh, Steffi Graf) đoạt được “Golden Slam”. Agassi sau này nhớ lại: “Tấm HCV ở Olympic Atlanta là giai đoan thăng hoa nhất trong sự nghiệp của tôi!”.

Sydney - chiến thắng của chị em nhà Williams

Sydney 2000 là kỳ Olympic đầu tiên mà chị em nhà Williams có vinh dự góp mặt, và họ đã nhanh chóng biến môn quần vợt ở kỳ Thế vận hội này như là… cuộc chơi của gia đình họ khi thắng phân nửa số HCV (HCV đơn nữ - Venus Williams và HCV đôi nữ). Kể từ năm 1999, chị em nhà Williams đã đe dọa “thống trị” thế giới quần vợt nữ của WTA khi tạo ra hàng loạt chiến tích đáng chú ý ở các giải Grand Slam. Hai HCV ở Sydney 2000 giống như sự khẳng định chắc chắn họ sẽ tiếp tục ưu thế của mình. Và 12 năm sau, bên thềm chuẩn bị cho Olympic London 2012 - kỳ Olympic thứ 4 của Venus và là thứ 3 của Serena - họ vẫn thừa nhận những tấm HCV giành được hồi đầu thế kỷ chính là thứ thôi thúc họ tiếp tục quay trở lại Olympic. Trong một kết quả đáng lưu ý khác, Yavgheny Kafelnikov đã mang về tấm HCV Olympic đầu tiên cho người Nga.

Athens 2004 - sự suy thoái

Tấm HCV mà Justine Henin giành được trong trận thắng khá dễ trước Amelie Mauresmo không thể giúp ITF cứu vãn một kỳ Olympic kém sáng sủa nhất kể từ năm 1988 đến nay. Sau một thời gian phát triển, nhiều tay vợt chuyên nghiệp tiếp tục tin rằng sân chơi Olympic không đủ sức thỏa mãn họ, lôi cuốn họ. Đó là lý do ngoại trừ tấm HCV nội dung đơn nữ được trao cho một tay vợt đẳng cấp như Henin, những tấm HCV khác đều được trao cho những tay vợt “hạng 2” - như Nicolas Massu (Chile) ở giải đơn nam, cặp Fernando Gonzalez và Massu ở giải đôi nam (mãi đến năm 2007, Gonzalez mới được đánh giá là một tay vợt đẳng cấp khi lọt đến chung kết Australian Open - thua Roger Federer ở đây), hay như Li Ting và Sun Tiantian của quần vợt Trung Quốc (lúc này làng quần vợt Trung Quốc vẫn còn khá kém phát triển). Sự thoái trào ở Athens thúc đẩy ITF phải thay đổi khá nhiều…

ĐỖ HOÀNG

>> Quần vợt và Olympic: Nhớ lại, suy nghĩ. Kỳ 1: Seoul, nơi khởi nguồn

Tin cùng chuyên mục