Cô gái vàng của bơi lội Việt Nam giữ đúng lời hứa trước khi bước vào thi đấu nội dung cuối cùng của mình ở Kazan (Nga) - 400m hỗn hợp cá nhân - là nỗ lực đạt thành tích tốt nhất. Kết quả mang lại sau vòng loại cự ly là thứ hạng 10 thế giới đầy ngưỡng mộ với riêng Ánh Viên. Thứ hạng này là kết quả xuất sắc nhất từ trước tới nay của một VĐV bơi Việt Nam từng dự giải VĐTG. Quan trọng hơn, thông số 4’38”78 của Viên còn vượt xa kỷ lục SEA Games của chính cô đã lập tại SEA Games 28 ở Singapore cùng nội dung là 4’42”88.
Ánh Viên đã phá kỷ lục của chính mình ở SEA Games chỉ sau 1 tháng. Ảnh: Nhật Anh
Rút ngắn thành tích cá nhân tới 5 giây chỉ trong hơn 1 tháng là kết quả đáng khen ngợi của Ánh Viên. Không phủ nhận, chúng ta đang sở hữu VĐV bơi tốt nhất trong lịch sử thể thao dưới nước của Việt Nam. Gần như, mọi kỷ lục với Ánh Viên không phải chuyện bất biến bởi vì trong từng thời điểm, cô gái người Cần Thơ đều thể hiện sự bứt phá để làm nên thành tích mới.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào thực tế, chúng ta tìm kiếm 1 suất góp mặt tại chung kết một nội dung ở giải bơi thế giới vẫn là điều chưa thể. Ánh Viên thật sự tốt với riêng bản thân nhưng so sánh trong những VĐV châu Á với nhau, cô chưa phải là người có thể chiếm sự vượt trội như nhiều gương mặt của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Cái khó là vấn đề con người. Sau mỗi lần dự giải thế giới, các quốc gia mạnh đều trình làng lứa VĐV mới trẻ về tuổi đời và hiệu quả trong thi đấu. Với bơi lội Việt Nam, Ánh Viên vẫn chỉ là người duy nhất và chưa tìm được những Ánh Viên “thứ 2”, “thứ 3” tiếp theo.
Mất gần 4 năm tập huấn ở nước ngoài, Ánh Viên có được kết quả như ngày hôm nay. Tới đây, bơi lội Việt Nam chờ đợi Viên có thể tạo bất ngờ tại Olympic 2016. Chúng ta vẫn chỉ hy vọng cô sẽ một lần được góp mặt trong một nội dung cự ly dù ai cũng biết, tính chất tranh tài ở Olympic đôi khi quan trọng hơn cả giải VĐTG nên VĐV tốt nhất không bao giờ bỏ lỡ cơ hội.
Không giành được huy chương, không lọt vào chung kết một cự ly nào nhưng khép lại giải bơi VĐTG năm nay, bơi lội Việt Nam đã thành công. Chúng ta thành công từ việc có số lượng đông đảo 5 VĐV góp mặt (trong đó có 1 VĐV Việt kiều là Lê Nguyễn Paul). Chúng ta luôn quan niệm chỉ cọ xát học hỏi ở những lần thi đấu giải thế giới trước đây thì bây giờ cách nghĩ và thực hiện đã khác. Nguyễn Thị Ánh Viên vào bán kết cự ly 200m hỗn hợp cá nhân và đứng vị trí 15 rồi cô xếp hạng 10 cự ly 400m hỗn hợp cá nhân.
NGUYỄN ĐÌNH