ĐKVĐ Uruguay đã chính thức trở thành cựu vương sau khi bị Chile loại ở vòng tứ kết Copa America 2015 trong một trận đấu mà Celeste càng khiến các CĐV của họ thêm nhớ Luis Suarez.
Đội bóng của HLV Oscar Tabarez đã phải rời Chile với một thành tích không thể tệ hơn: chỉ thắng 1, hòa 1 và thua 2, ghi được 2 bàn và để thủng lưới 3 bàn. Càng ê chề hơn khi không có một tiền đạo nào là tác giả của 2 bàn thắng vào lưới Jamaica và Paraguay.
Sự vắng mặt của tiền đạo ngôi sao Suarez vì án treo giò đã để lại một khoảng trống quá lớn trên hàng công của Uruguay mà không một ai có thể bù đắp được. Khi có Suarez, Uruguay chơi phòng ngự phản công rất hiệu quả nhưng khi không có anh, những pha phản công sắc sảo của Celeste đã mai một theo những đôi chân vụng về của Edinson Cavani, Diego Rolan, Abel Hernandez, Christian Stuani…
Trong trận tứ kết, một đội bóng như thế đã phải oằn mình trước sức ép của Chile để rồi cuối cùng phải rời Santiago với 2 bàn tay trắng. Nếu như có thể ca ngợi hàng thủ của Uruguay bao nhiêu thì lại chẳng có một mỹ từ nào để nói về hàng công của họ. Hãy bỏ qua những tình huống dẫn đến tấm thẻ vàng thứ 2 dành cho Cavani và Jorge Fucile bởi bây giờ mà tranh cãi thì cũng chẳng ích gì. Hãy bỏ qua những ý kiến cho rằng trọng tài Sandro Ricci có phần thiên vị đội chủ nhà vì đó là một phần của cuộc chơi. Vấn đề ở đây, tóm lại, là Uruguay đã không thể vượt qua được chính mình, hay chính xác hơn không còn là chính mình, khi không có Suarez.
Thêm một lần nữa, Cavani đã thất bại trong việc thay thế vai trò của Suarez. Trước đây, anh từng ta thán là mình đã phải sống dước cái bóng của Zlatan Ibrahimovic (ở Paris SG) và Suarez (ở ĐTQG). Thế nhưng, chỉ trong vòng một năm qua, Cavani đã có quá nhiều cơ hội để khẳng định mình nhưng anh có làm được đâu. Phải chăng Cavani cần có Suarez thì mới có thể là chính mình, cũng như đội tuyển Uruguay không thể thiếu Suarez?
Một kỳ giải đầy thất vọng của Edinson Cavani đã kết thúc bằng tấm thẻ vàng thứ 2 trong trận tứ kết với Chilê.
Không có Suarez nghĩa là không có chiến thắng, bởi khi không có một mũi nhọn nào có khả năng uy hiếp thường trực khung thành của đối phương thì đương nhiên hàng phòng ngự sẽ phải chịu trận. Con số 20% thời gian kiểm soát bóng của Uruguay đủ để nói lên điều đó. Thế nhưng, bên cạnh yếu tố không thể chối cãi là sự mờ nhạt đến tuyệt vọng của các tiền đạo thì việc thiếu chính xác trong những đường chuyền càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Muốn chơi phản công một cách hiệu quả thì cần phải có được sự chính xác trong những đường chuyền, đặc biệt là những đường chuyền dài. Thế mà ở trận đấu này, tỷ lệ chuyền bóng chính xác của Uruguay chỉ đạt 50%, một con số quá khiêm tốn đối với một đội tuyển có máu mặt.
Tóm lại, có thể khẳng định rằng khi nào Suarez chưa quay trở lại thì Uruguay vẫn còn phải tiếp tục chơi bóng theo kiểu tránh thất bại chứ không phải để giành chiến thắng, dù ngay cả khả năng này họ cũng đã làm không tốt.
Ngân Vân